Để xử lý, nhà vườn sử dụng nhiều biện pháp bước đầu có hiệu quả như: đào hố chôn trái bưởi bị sâu đục, bỏ xuống mương nước, bỏ vào túi ni-lon phơi nắng. Các giải pháp này tuy có hiệu quả nhưng không triệt để bởi khi đào hố chôn sẽ tốn công, sâu non có thể chui lên đất hóa nhộng; còn bỏ xuống mương thì một số sâu trôi vào bờ, cũng sẽ bò lên tìm đất hóa nhộng để tiếp tục hoàn thành dòng đời của mình; cho vào túi ni-lon phơi nắng thì một số sâu đã cắn túi ni-lon chui ra ngoài, và túi ni-lon sau khi sử dụng rất khó phân hủy, dễ gây ô nhiễm môi trường.
Để giải quyết bức xúc này, KS. Nguyễn Thị Nguyệt - Chi cục Bảo vệ thực vật Bến Tre đã có giải pháp hiệu quả với cách tiêu hủy sâu bằng nước vôi. Theo bà Nguyệt, sử dụng vôi bột, 4 thùng chứa nước, cách làm như sau: cho bưởi bị sâu vào nước vôi với 3 nồng độ khác nhau: 1/50, 1/80, 1/100 và đối chứng (nước lã). Mỗi nghiệm thức cho vào 6 trái bưởi bị sâu. Bố trí thí nghiệm theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức, 3 lần lặp lại. Tiếp tục theo dõi tỷ lệ sâu chết theo từng giai đoạn 1, 2, 3 ngày sau khi xử lý. Kết quả cho thấy, đã khắc phục được nhược điểm của các phương pháp cũ, hiệu quả cao hơn. Nhà vườn có thể dùng một dụng cụ đựng nước như thùng nhựa, lu để cố định trong vườn rồi pha vôi vào nước với tỷ lệ 1kg vôi pha 100 lít nước và xử lý 100 trái bưởi. Sau đó, thu gom những trái bưởi bị sâu hại trong vườn cho vào lu nước vôi đã pha sẵn. Khoảng 24 giờ sau, sâu trong trái bưởi tự động chui ra ngoài hoặc số còn lại trong trái cũng chết. Phần nước vôi sau khi không sử dụng sẽ tưới trong vườn để cung cấp canxi cho cây.
Giải pháp này có thể áp dụng cho tất cả các vườn cây có múi bị sâu đục trái gây hại. Cách này rất dễ làm, ít tốn kém và hiệu quả cao, khắc phục những hạn chế của các giải pháp trước đây; được nông dân đồng thuận cao và đã ứng dụng trong sản xuất từ tháng 5-2013. Ngoài ra, vật liệu phế thải không làm ảnh hưởng môi trường và còn tận dụng bón lại cho cây, cung cấp chất canxi là một trong những nguyên tố trung lượng giúp cây phát triển. Đây là một giải pháp được tác giả trình bày trong hội thảo khoa học chuyên đề “Quản lý sâu đục trái trên cây có múi”, do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức năm 2013 và được các nhà khoa học trong ngành đánh giá cao. Đây là giải pháp hoàn toàn mới lần đầu tiên thực hiện ở đồng bằng sông Cửu Long, mang lại hiệu quả cao, góp phần đáng kể trong quản lý sâu bệnh.
Theo Báo Đồng Khởi
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn