Đông Anh là địa phương dẫn đầu Hà Nội về số hộ, cơ sơ sản xuất rau và kinh doanh vật tư nông nghiệp an toàn.
Toàn huyện có 500 ha/680ha rau an toàn (RAT) đã được quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung; trong đó, 85ha có sự giám sát của cộng đồng tự quản (PGS), 15ha VietGAP, 0,5ha rau hữu cơ.
HTX Rau sạch Vân Nội
Bà Nguyễn Thị Huyền, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Ba Chữ (xã Vân Nội), cho biết, HTX chuyên sản xuất các loại rau ăn lá; có 150 thành viên, hoạt động theo Luật HTX mới từ năm 2016 đến nay. Với nhiệm vụ vừa kinh doanh, vừa liên kết sản xuất, tiêu thụ RAT với các đơn vị và trường học trên địa bàn, từ khi thành lập đến nay, HTX chưa bao giờ phải lo đầu ra.
Bản thân bà, hơn 30 năm trước, khi mới về làm dâu ở đây, đã thấy ông bà, bố mẹ canh tác rau theo lối truyền thống, ủ phân chuồng và tro bếp để bón cho cây. Tuy nhiên, sau đó, trong một thời gian dài, việc sử dụng phân bón hoá học và thuốc BVTV thiếu kiểm soát (cứ thấy sâu bệnh là ra cửa hàng mua thuốc về phun). Cửa hàng bán cho thuốc nào thì phun thuốc ấy, dẫn đến dùng quá liều lượng và không cách ly để đảm bảo rau an toàn.
Vấn nạn trên ngày càng được cải thiện, nhất là khi HTX kiểu mới ra đời (năm 2016). Theo đó, bà con được tập huấn thường xuyên qua các lớp học đồng ruộng, tiếp thu khoa học kỹ thuật canh tác mới. Đặc biệt, sử dụng phân bón theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, canh tác theo PGS. Mặt khác, các cửa hàng bán thuốc BVTV trên địa bàn cũng đã được kiểm soát và siết chặt quản lý.
Hiện, gia đình bà có 2.000m2 chuyên sản xuất các loại rau ăn lá như: bắp cải, xà lách, mồng tơi, rau dền, rau muống…, canh tác quanh năm, không kể trái vụ hay thời tiết. Nguồn nước tưới bằng giếng khoan, đã qua khảo nghiệm; cơ sở hạ tầng sản xuất đảm bảo, rau được che phủ bằng nylon, nên giảm được thiệt hại do mưa nắng thất thường. Doanh thu đạt 180 - 200 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, cách sử dụng phân bón, thuốc BVTV của bà con HTX đã được Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội, Trạm BVTV Đông Anh phối hợp tổ chức tập huấn hàng năm. Nhờ vậy, hai năm 2016 và 2017, bà con còn dùng thuốc BVTV 5 lần/năm; từ năm 2018 đến nay, giảm dần, chỉ còn dùng thuốc 2-3 lần/năm. Trạm BVTV Đông Anh hàng năm vẫn phát tờ rơi, khuyến cáo người dân các loại thuốc BVTV được phép sử dụng và không được phép sử dụng.
Ngoài phân hoá học, bà Huyền còn bón thêm các loại phân hữu cơ vi sinh như: phân giun quế, phân gà hữu cơ, khô đậu tương cho rau, khoảng 50kg/sào (1 sào Bắc Bộ - 360m2).
“Đầu ra cung cấp cho nội thành Hà Nội và các trường học, khu chung cư, khu công nghiệp ở Đông Anh. Hoặc liên kết với các HTX sản xuất các mặt hàng rau, củ, quả khác tại địa phương để khép kín mô hình tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên”, bà Huyền chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Duyên, một thành viên khác của HTX cho biết, gia đình bà có 10 sào rau ăn lá, nhưng chỉ có 2 vợ chồng sản xuất, do con cái đã ra ở riêng. Làm rau bây giờ không quá vất vả, lại có thu nhập cao, khoảng 350 - 400 triệu đồng/năm; tương đương 1,2 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm.
Phối hợp của ngành chuyên môn
Ông Nguyễn Hồng Tuyển, Trưởng trạm Trồng trọt và BVTV huyện Đông Anh, cho biết: “Đông Anh là huyện đứng đầu Hà Nội về số hộ, cơ sở sản xuất, sơ chế RAT và kinh doanh vật tư nông nghiệp, với 6.280 hộ, 48 cơ sở sản xuất, 32 cơ sở sơ chế và hơn 40 hộ cá thể được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện; 151 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, trong đó, thuốc BVTV có 121 đơn vị.
Hàng năm, nông dân sử dụng khoảng 15 tấn thuốc BVTV và 500 tấn phân bón các loại trên rau; sản lượng rau trung bình bà con sản xuất, cung ứng ra thị trường khoảng 40-60 tấn/ngày; năng suất đạt 25 tấn/ha. Mặt khác, Đông Anh còn có 1 chợ đầu mối, chuyên buôn bán, giao thương các loại rau, củ, quả với số lượng lớn. Bình quân, cung cấp cho Thủ đô và các tỉnh phía Bắc khoảng 200 tấn rau, củ, quả/ngày”.
Cũng theo ông Tuyển, địa phương rất chú trọng phát triển, quản lý, chỉ đạo canh tác RAT. Đồng thời, tham mưu cho huyện ban hành văn bản chỉ đạo, quản lý ATTP và RAT; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT. Hỗ trợ thùng chứa, thu gom, tiêu huỷ bao gói thuốc BVTV đã qua sử dụng. Thành lập Đoàn liên ngành trong quản lý, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, về sử dụng thuốc BVTV, kinh doanh vật tư nông nghiệp; sản xuất, tiêu thụ RAT.
Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường quản lý thuốc BVTV, cấm sử dụng thuốc đã bị loại ra khỏi danh mục thuốc BVTV, chỉ sử dụng thuốc được phép sử dụng ở Việt Nam.
Ông Phương cho biết thêm, Chi cục đã tham mưu cho TP. Hà Nội ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 130 triệu đồng đối với Công ty TNHH Ứng dụng và Phát triển công nghệ cao HITEDA, do sản xuất phân bón khi không có giấy phép sản xuất và giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón.