Không để “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”
Về dài hạn, phải cơ cấu lại sản xuất lúa gạo cho phù hợp điều kiện mới. Trong bối cảnh khó khăn vây quanh các mặt hàng nông sản chủ lực, đặc biệt là cây lúa, không thể nóng vội hay cập rập chuyển đổi nếu không muốn “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” khi ứng phó. Không ít ý kiến cho rằng, tại sao không chuyển một số diện tích lúa sang trồng cây đậu nành, bắp lai để cung ứng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thay thế dần nguyên liệu nhập khẩu mỗi năm hàng tỷ USD. Cách đặt vấn đề này phù hợp về lâu dài, nhưng không thể chuyển ngay cùng một lúc trong ngắn hạn.
Theo ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, vấn đề quan trọng là giá thành có cạnh tranh được với hàng nhập khẩu không? Ngoài cây bắp lai còn tạm chấp nhận được về năng suất, cây đậu nành với năng suất quá thấp không thể thay thế nguyên liệu nhập khẩu nếu chưa có giống năng suất cao. Nếu nóng vội chuyển qua trồng sẽ tiêu thụ như thế nào khi giá thành quá cao, chắc chắn doanh nghiệp (DN) chế biến thức ăn chăn nuôi sẽ không mua vì giá nhập khẩu vẫn thấp hơn trong nước.
Theo VFA, việc giá gạo Việt Nam thấp hơn giá thế giới một cách bất hợp lý cần được xem xét các nguyên nhân để có biện pháp khắc phục. Đặc biệt, khi giá thấp như hiện nay, không thể giảm thêm nữa và có nhiều cơ sở để tin tưởng giá sẽ phục hồi từ nay đến cuối năm khi Thái Lan và Ấn Độ trong thế không thể giảm giá do điều kiện trong nước không cho phép.
Xem xét yếu kém nội tại
Có ý kiến cho rằng, phải bình tĩnh xem xét những yếu kém nội tại để giải quyết vấn đề. Đồng tình với ý kiến này, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho rằng không nên vội vàng bỏ sản xuất lúa vụ 3 (tức vụ thu đông). Đây là vụ lúa tạo ra chất lượng hạt gạo cao, chỉ sau vụ đông xuân, nhất là lúa thơm (vụ hè thu không bằng). Chỉ nên giảm diện tích lúa khu vực chưa có đê bao chống lũ để tránh thiệt hại có thể xảy ra cho người trồng lúa khi mùa nước nổi về sớm và nên bỏ vụ lúa hè thu sớm (xuân hè). Xem xét lại giống lúa sao cho phù hợp với thị trường xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty Angimex (An Giang), cần điều chỉnh lịch thời vụ, chỉ tập trung vài giống chủ lực cho xuất khẩu như loại gạo thơm, hạt dài thay vì quá nhiều giống như hiện nay. VFA cùng Bộ NN-PTNT khuyến cáo định hướng quy hoạch vùng lúa Jasmine. Nhanh chóng đặt hàng các viện nghiên cứu giống lúa đặc thù Việt Nam, có thể trồng trên diện rộng và ổn định lâu dài để có lượng gạo hàng hóa lớn, tiến tới việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Dù có nhiều giống lúa thơm, đặc sản Việt Nam nhưng sản lượng quá ít như gạo nàng Hoa, nàng Thơm Chợ Đào, ngay cả ST là giống mới lai tạo sau này cũng chỉ phù hợp với vài địa phương và tính ổn định không cao, trong khi giống Jasmine khá ổn định và được xuất khẩu với số lượng lớn nhưng là giống từ Mỹ. Giúp nông dân giảm giá thành sản xuất lúa. Không thể để tiếp diễn tình trạng giá thành chênh lệch lên đến cả ngàn đồng/kg như hiện nay ở một số khu vực thông qua biện pháp kỹ thuật, ổn định giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Hiện nay, gạo thơm vẫn được giá và xuất khẩu tăng mạnh, chiếm 12,6%, tăng đến 77,8% so với 6 tháng đầu năm 2012. Nhưng hạn chế là chất lượng gạo thơm hiện nay đang lẫn lộn giữa các giống gạo thơm, thơm nhẹ, hạt dài như Jasmine, nàng Hoa, OM4900, 4218, 2517, VD, ST nên chất lượng chưa ổn định. Như vậy, gạo Việt Nam đang có sự phân khúc rõ nét giữa gạo chất lượng cao với sự khác biệt giữa độ dài và độ mềm cơm sau nấu đang được thị trường ưa chuộng, với gạo thường chất lượng thấp, hạt ngắn và cơm cứng nhưng năng suất cao.
Trong bối cảnh đầu ra khó khăn hiện nay cần khuyến cáo và cảnh báo để người trồng lúa biết được những thông tin này để hạn chế trồng. Là đơn vị liên doanh với doanh nghiệp Nhật Bản trồng lúa để xuất khẩu qua thị trường này, ông Nguyễn Văn Tiến cho rằng, đây là thị trường nhiều tiềm năng với loại gạo chất lượng cao và được bán với giá rất hấp dẫn.
6 tháng đầu năm Nhật Bản nhập khẩu 350.000 tấn gạo hạt dài, trong đó Thái Lan cung cấp 250.000 tấn, còn lại là Mỹ… Năm 2012, thị trường này nhập khẩu 750.000 tấn gạo. Nhật Bản vẫn mong muốn tăng lượng nhập khẩu gạo từ Việt Nam nhưng phải kiểm soát cho được dư lượng hóa chất của 592 loại, điều này ngoài tầm doanh nghiệp. Do tần suất kiểm tra 400 tấn/mẫu thay vì 1.000 tấn/mẫu làm tăng chi phí lên 25 USD/tấn.
Vì vậy, ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, địa phương trồng lúa xuất qua Nhật Bản, kiến nghị Bộ NN-PTNT nên có biện pháp quản lý các hóa chất này. Nếu được nên cấm lưu hành những hoạt chất này.
Giá gạo Việt Nam đã tách khỏi mặt bằng giá gạo thế giới, trở thành nguồn cung cấp rẻ nhất do nhiều yếu tố như: Chất lượng gạo Việt Nam so với cùng loại gạo của các nước đều thấp hơn do trồng nhiều loại giống hạt ngắn, bạc bụng nhiều. Sức ép bán ra để tiêu thụ lúa gạo trong nước và sức ép quay vòng vốn ngân hàng làm sự chịu đựng DN yếu là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giá gạo xuất khẩu, làm sụt giảm hiệu quả sản xuất và kinh doanh.
Báo Sài Gòn Giải Phóng
Những tin mới hơn