Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL.Ảnh: T.A
Còn nhiều “rào cản”
Vài tháng trở lại đây, giá cá tra đã “khởi sắc” nên người nuôi và doanh nghiệp chế biến phấn khởi. Có lúc, giá cá tra nguyên liệu tăng lên 26.000 - 27.000 đồng/kg, người nuôi lãi 4.000 - 5.000 đồng/kg. Tuy vậy, việc xuất khẩu cá tra của Việt Nam cũng gặp không ít “rào cản” từ các thị trường nhập khẩu.
Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) - 4 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 518,6 triệu USD, tăng 2,2% so cùng kỳ năm 2016, chiếm 23,9% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Trung Quốc là thị trường dẫn đầu nhập khẩu cá tra Việt Nam (chiếm tỉ trọng 19,9%) trong thời gian này, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 53% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu qua thị trường này, việc kiểm soát xuất qua đường tiểu ngạch là vấn đề đang được đặt ra...
Bà Trương Thị Lệ Khanh - Tổng Giám đốc Cty CP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) - cho biết, thời gian qua, cá tra của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Từ thông tin phản ánh không đúng sự thật về cá tra Việt Nam ở châu Âu đến việc DOC công bố mức thuế cao áp cho cá tra và Hoa Kỳ sẽ thực thi đầy đủ quy định của Đạo luật Nông trại Hoa Kỳ từ ngày 1.9.2017.
Để khắc phục những khó khăn này, tiềm lực về tài chính là một đòi hỏi vô cùng cần thiết. Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, trước mắt 20 doanh nghiệp dẫn đầu xuất khẩu cá tra Việt Nam, dưới sự chủ trì của VASEP, đã có cuộc họp bàn về vấn đề này. Sau cuộc họp, Quỹ Phát triển thị trường xuất khẩu thủy sản - với cam kết đóng góp 200.000 USD - đã được 20 doanh nghiệp dẫn đầu xuất khẩu cá tra thống nhất thành lập nhằm giải quyết sự cố truyền thông ở thị trường EU.
Nghị định hỗ trợ cá tra
Để đáp ứng được các yêu từ sản xuất đến xuất khẩu cá tra, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NNPTNT - cho biết, Việt Nam cần phải tổ chức lại từ khâu sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, quy trình nuôi, quy trình chế biến, giới hạn mạ băng… đến điều kiện, tiêu chí được xuất khẩu. Do đó, Bộ NNPTNT đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định 55/2017/NĐ-CP về phát triển ngành hàng cá tra (có hiệu lực ngày 1.7.2017).
Điều đặc biệt của nghị định này là không cần thông tư hướng dẫn, có thể thực hiện ngay vì Bộ NNPTNT đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sản phẩm thủy sản - cá tra phi lê đông lạnh. Quy chuẩn này sẽ tạo ra hành lang pháp lý tốt nhất để người nuôi, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu làm căn cứ thực hiện, triệt tiêu doanh nghiệp làm ăn gian dối, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của cá tra Việt Nam. Nghị định 55/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Ông Dương Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Cty CP Hùng Vương (Tiền Giang) - cho rằng: “Nghị định 55/2017/NĐ-CP có sự thống nhất cao của phần lớn các doanh nghiệp. Việc ra đời của Nghị định 55/2017/NĐ-CP cùng lúc với quyết định của Chính phủ về việc đưa ngành hàng cá tra vào sản phẩm quốc gia là rất đúng với tâm tư, nguyện vọng của người nuôi lẫn doanh nghiệp chế biến xuất khẩu”.
Cùng quan điểm này, ông Trần Văn Hùng - Tổng Giám đốc Cty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) rất hoan nghênh Nghị định 55/2017/NĐ-CP bởi nghị định này quy định chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn. Theo ông Trần Văn Hùng, sau khi ban hành Nghị định 55/2017/NĐ-CP, ngành chuyên môn cần quan tâm đến các doanh nghiệp làm ăn thiếu chân chính. Nếu doanh nghiệp nào làm ăn không minh bạch, làm ảnh hưởng đến uy tín xuất khẩu của các doanh nghiệp còn lại cần phải xử lý nghiêm. Có như vậy, chất lượng và uy tín của cá tra Việt Nam mới ngày càng được nâng lên.
Bộ NNPTNT cũng đang khẩn trương xúc tiến Đề án Khung sản phẩm quốc gia cá da trơn để thực hiện Nghị định 55/2017/NĐ-CP của Chính phủ nhằm tập trung vào 2 dòng sản phẩm có giá trị đạt 2.000 tỉ đồng/năm.
Ông Vũ Văn Tám cho rằng: “Để ngành cá tra phát triển tốt trong thời gian tới, chúng cần có các giải pháp về quản lý và tổ chức sản xuất, phát triển thị trường; đa dạng hóa sản phẩm và phát triển sản phẩm giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, công đoạn ươm con giống, xã hội hóa công tác chọn tạo giống cá tra bố mẹ cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Các địa phương có vùng nuôi cá tra tập trung cần chủ động bố trí kinh phí phục vụ công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh và giám sát chất lượng nguyên liệu cá tra cũng như kiểm soát vật tư “đầu vào” cho nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Mặt khác, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho sản phẩm cá tra để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đặc biệt, chú trọng xây dựng thương hiệu cho dòng sản phẩm phi lê cá tra chất lượng cao. Ngoài ra, cần có chính sách vay vốn dài hạn, lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp”.
Theo Laodong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn