Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ nguồn vốn của ngân hàng thì chưa đủ để giúp nông dân làm giàu. Cái họ cần nhiều hơn là thông tin dự báo thị trường, tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất bền vững.
Trong chuyến công tác về Thái Nguyên, chúng tôi có dịp cùng cán bộ tín dụng của Agribank “mục sở thị” những mô hình sản xuất khá hiệu quả từ nguồn vốn của ngân hàng. Địa điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là huyện Phú Bình. Là huyện thuần nông nên hoạt động tín dụng theo Nghị định 41 được thực hiện khá hiệu quả.
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Dương Văn Hải, Giám đốc Agribank Phú Bình, chia sẻ: “Nếu 5 năm trước, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn thì từ khi có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự hỗ trợ về vốn của ngân hàng, người dân có nhiều cơ hội để cải thiện cuộc sống. Trong tổng số 470 tỷ đồng dư nợ của Chi nhánh thì có tới hơn 80% vốn cho vay theo Nghị định 41”.
Gia đình bà Phạm Thị Dung, ở xóm Thuần Phát (xã Điềm Thụy), là một trong những khách hàng thường xuyên của Agribank Phú Bình. Bà Dung cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chỉ chăn nuôi quy mô nhỏ, nhiều nhất cũng chỉ 10 con lợn thịt. Nhưng từ năm 2013, tôi được Agribank cho vay 200 triệu đồng để mở rộng mô hình chăn nuôi. Tôi mua thêm 10 lợn nái, 70 lợn giống, xây 5 chuồng nuôi”. Sau khoảng 4 tháng là xuất bán lợn thịt, lợn giống, gia đình bà Dung thu lãi 30-40 triệu đồng.
Tuy nhiên, do giá thịt lợn bấp bênh, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên từ cuối năm 2013 đến nay, những trang trại chăn nuôi như của bà Dung gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thời điểm phải bù lỗ.
Rời Phú Bình, chúng tôi đến Agribank Đại Từ, được xem là đơn vị điển hình “hai nhất” của Thái Nguyên: huy động vốn cao nhất (1.200 tỷ đồng) và dư nợ lớn nhất trong hệ thống Agribank toàn tỉnh (trên 600 tỷ đồng).
Chạy dọc những tuyến đường nông thôn được bê-tông hóa đến tận bờ sân từng gia đình, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của nhiều vùng quê, của mỗi gia đình, trong đó có đóng góp không nhỏ của nguồn vốn từ Agribank. Ông Nguyễn Văn Phòng, ở xóm Bình Sơn, xã Bình Thuận (Đại Từ), chia sẻ: “Trước đây, gia đình chỉ làm bún, chăn nuôi gần chục con lợn thịt nhưng thu nhập bấp bênh nên chuyển sang mua trâu, bò vỗ béo bán thịt. Do đồng vốn hạn hẹp nên việc làm ăn gặp nhiều khó khăn. Từ khi được tiếp cận nguồn vốn của Agribank (năm 2004), gia đình mạnh dạn đầu tư mở rộng trang trại nuôi lợn thịt, ba ba. Hiện, gia đình tôi dư nợ 300 triệu đồng nhưng lợi nhuận từ trang trại luôn đạt 100 - 200 triệu đồng/năm nên tôi có điều kiện trả cả gốc lẫn lãi ngân hàng. Cũng từ nguồn vốn của Agribank, tôi có điều kiện cải thiện đời sống, xây nhà cửa khang trang, sắm cả xe ô tô làm phương tiện đi lại”.
“Tuy nhiên, do thị trường thu hẹp, giá cả lên xuống thất thường, cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh nên những trang trại chăn nuôi như chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn”, ông Phòng chia sẻ thêm.
Điều băn khoăn của chúng tôi sau khi “mục sở thị” các trang trại kể trên là liệu những khó khăn đó có ảnh hưởng tới việc thu hồi gốc và lãi của ngân hàng hay không? Lãnh đạo hai đơn vị ở 2 huyện đều khẳng định, tiền gốc và lãi vẫn được các hộ vay vốn trả đầy đủ. Nông dân đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi có thời điểm lãi, thời điểm lỗ nhưng do họ có nguồn vốn tự có, phân tán rủi ro bằng cả chăn nuôi, trồng trọt, lại luôn giữ chữ Tín với ngân hàng nên cố gắng thu xếp trả nợ đúng hạn. Đây cũng chính là câu trả lời cho thấy tại sao tỷ lệ nợ xấu của Agribank Phú Bình chưa đến 1%, Agribank Đại Từ chỉ hơn 1%. Còn tính cả hệ thống Agribank trong tỉnh Thái Nguyên thì con số này cũng chỉ ở mức 1,4%.
Qua câu chuyện vay vốn ở Thái Nguyên, chúng ta thấy, nguồn vốn ngân hàng đầu tư cho sản xuất nông nghiệp bao giờ cũng mang lại hiệu quả và rủi ro từ những nguyên nhân chủ quan rất thấp. Vậy, đâu là giải pháp ngăn chặn những rủi ro khách quan như: thiên tai, dịch bệnh… để nông dân vay vốn yên tâm sản xuất, nhất là khi chúng ta sắp tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), làm sao để người chăn nuôi không bị thua trên sân nhà?
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, ngoài việc được hỗ trợ vay vốn sản xuất, nông dân cần được tư vấn, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, dự báo thị trường để chủ động làm giàu bền vững. Có như vậy, những hộ chăn nuôi như ông Phòng, bà Dung và nhiều hộ chăn nuôi trong cả nước mới có được sự thành công trọn vẹn.
Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Agribank Chi nhánh Thái Nguyên, cho biết: “Tính ổn định của thị trường là đáng lo nhất nên để đồng vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn phát huy hiệu quả, công tác dự báo thị trường phải được quan tâm, tránh để tình trạng nông dân tự bơi như hiện nay”.
Nhất Nam
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn