Mới đây nhất, báo cáo điều tra đời sống của kinh tế hộ nông thôn của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì thu nhập của hộ nông dân chỉ đạt 48.618 đồng/ngày (1.458.000 đồng/tháng).
Thêm nữa, đầu vào tăng nhưng giá bán nông phẩm lại không tăng, thậm chí tụt trong thời gian dài và khó bán. Bởi vậy ông Huỳnh Văn Sơn, một nông dân ở ấp 1, xóm Tân Định, huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An đã gửi bức tâm thư nói về nỗi khổ của người dân, nhất là người trồng lúa vùng “vựa lúa” tới tư lệnh ngành nông nghiệp.
Đành rằng việc điều chỉnh giá trong nền kinh tế thị trường là chuyện bình thường của mọi quốc gia. Tuy nhiên, ở ta, vấn đề người dân đòi hỏi là sự minh bạch. Về điều này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương, ngành điện, xăng dầu,... phải công khai, minh bạch trong việc tính giá với nhân dân. Tại buổi họp báo của Văn phòng Chính phủ sau phiên họp tháng 7 của Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam, người phát ngôn Chính phủ nói rõ, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và ngành điện khi tăng giá phải lấy ý kiến người dân và doanh nghiệp.
Người dân và doanh nghiệp chưa kịp vui đã sốc! Nói vậy vì, ngay ngày hôm sau, Bộ Công Thương và ngành điện đã đơn phương thông báo thực hiện tăng giá. Khi báo chí hỏi nguyên nhân, bà Thứ trưởng đã thẳng thừng từ chối.
Trở lại bức thư của nông dân Huỳnh Văn Sơn, ông viết: “Nông dân chúng tôi là những người được vinh danh đưa tên tuổi Việt Nam lên tầm thế giới nhưng lại là người sống trong lo âu khắc khoải nhất với điệp khúc trúng mùa rớt giá”. Tiếp đó, ông viết: “Chi phí đầu vào nông dân không quyết định được như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu bơm nước. Còn đầu ra nông sản chúng tôi cũng không định được giá bán” .
Thêm nữa, biến đổi khí hậu đe doạ nhiều ngành kinh tế nhưng những người gánh chịu đầu tiên và nặng nề nhất cũng lại là nông dân.
Vấn đề đặt ra là, cách nào giúp nông dân không thêm kiệt sức bởi những cú sốc điều chỉnh giá?
Giải pháp rất nhiều nhưng đầu tiên là phải nâng cao khả năng kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước để các doanh nghiệp không thể, không dám khai gian, tức là nâng cao sự minh bạch. Thứ hai, điều đặc biệt quan trọng là, phải giúp nông dân tăng thu nhập thông qua tăng năng suất lao động. Nghĩa là phải giúp họ có giống cây trồng, con nuôi cho năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh; có kỹ thuật canh tác với sự trợ giúp cao của máy móc. Thứ ba, nhanh chóng xây dựng chính sách điều tiết lợi nhuận giữa nhà nông với các doanh nghiệp sản xuất vật tư nông nghiệp và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản...
Chắc chắn rằng còn nhiều, rất nhiều giải pháp cho vấn đề này, mong được bạn viết xa gần tham gia hiến kế để người nông dân, chủ thể của ngành kinh tế trụ cột sống khoẻ.
Hiền Anh
nguồn:kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn