* FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ) không khuyến nghị ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch tả lợn châu Phi vì dịch bệnh này không lây sang người.
Phải chủ động phòng chống dịch
Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, những năm gần đây, chăn nuôi Việt Nam đang đà khởi sắc, có thể kỳ vọng vào những đột phá mới cả về chuyển dịch sản xuất trong nước lẫn xuất khẩu. Đó là chăn nuôi theo chương trình VietGAP phát triển mạnh ở tất cả các đối tượng vật nuôi.
Trong đó, chăn nuôi lợn được coi là ngành chăn nuôi truyền thống và chủ lực. Năm 2018, số lượng đầu con đạt 28,2 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi đạt 3,82 triệu tấn, chiếm 72% sản phẩm thịt các loại, tăng 2,2% so với năm 2017, giá trị xấp xỉ 153 nghìn tỷ đồng và chiếm 54,3% giá trị ngành chăn nuôi. Tổng đàn lợn nước ta đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2 châu Á, nằm trong top 15 nước có đàn lợn lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, chăn nuôi đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đặc biệt là sự bứt phá mạnh mẽ do xuất hiện làn sóng đầu tư vào lĩnh vực giết mổ - chế biến vốn là điểm yếu của ngành lâu nay.
Tuy vậy, ngành chăn nuôi lợn nước ta vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đó là năng suất thấp, giá thành sản phẩm cao, chất lượng và an toàn thực phẩm chưa ổn định, sức cạnh tranh thấp…
Một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến những thách thức đó là vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, “nóng” nhất hiện nay là bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào nước ta, xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỷ lệ lợn chết lên đến 100%. Nếu không có biện pháp kiểm soát bệnh kịp thời, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam, thiệt hại có thể lên đến hàng tỷ USD.
Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã liên tục chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn và phòng, chống dịch bệnh, thực hiện cấp bách tiêu hủy lợn bị dịch bệnh. Các địa phương cũng tích cực thực hiện mọi biện pháp để phòng chống và ngăn chặn dịch hiệu quả. Nhưng nhận thức về phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi còn hạn chế. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả là hết sức cần thiết, nhất là tạo điều kiện cho các hộ nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp trực tiếp tiếp cận thông tin, để hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm của các loại dịch bệnh trong chăn nuôi lợn, không hoang mang mà phải chủ động phòng chống dịch.
Giảm thiểu chăn nuôi nhỏ lẻ, xây dựng chuỗi liên kết
Bàn về giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trong chăn nuôi lợn, đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên vật nuôi, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, các Sở Nông nghiệp và PTNT cần phối hợp với các cơ quan chức năng, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn song song phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cần tiếp tục duy trì, ổn định, phát triển chăn nuôi để bảo vệ đàn lợn, đáp ứng yêu cầu cung cấp thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Ngoài ra, cần liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ để hình thành sản xuất sản phẩm theo chuỗi có truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Theo đại diện Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương, do hiện nay chưa có vắcxin và thuốc điều trị dịch tả lợn châu Phi, vì vậy, đối với người chăn nuôi, giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, đồng bộ là biện pháp hữu hiệu duy nhất hiện nay đối với phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Về phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cho biết, hiện nay tình hình dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 6 quận/huyện của thành phố. Trong thời gian qua, Hà Nội đã và đang tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho các hộ chăn nuôi cũng như người dân cần “ăn chín uống sôi” để tránh lây lan dịch bệnh.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết thêm, Hà Nội sẽ thành lập liên ngành cơ động tiến hành kiểm tra việc lưu thông, vận chuyển buôn bán thịt lợn chặn tại các đường ngang ngõ tắt- đây là những điểm khó kiểm soát và dễ di chuyển nên gây nhiều nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, cần giảm thiểu chăn nuôi nhỏ lẻ, xây dựng nhiều hơn các chuỗi liên kết và có chỉ đạo sâu về quản lý thức ăn chăn nuôi (trong đó có tình trạng sử dụng thức ăn dư thừa tại các nhà hàng, khách sạn…).