Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Ông Grahame Dixie Giám đốc điều hành, Grow Asia đã nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn Tăng trưởng châu Á diễn ra ngày 11/9 tại Hà Nội.
Tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang tích cực triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Theo đó, tập trung phát triển các chuỗi giá trị phân theo 3 trục sản phẩm: Chủ lực quốc gia với 10 sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu hằng năm trên 1 tỷ USD; chủ lực cấp tỉnh; đặc sản lợi thế vùng/miền. Việc phát triển các chuỗi giá trị này hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh và đảm bảo xanh, sạch.
Vì vậy, nông nghiệp Việt Nam rất cần thiết tăng cường phát triển các mô hình sản xuất và đầu tư theo hình thức PPP. “Bộ NN&PTNT mong muốn WEF, thông qua Sáng kiến Tăng trưởng châu Á – Grow Asia, tiếp tục đồng hành cùng ngành nông nghiệp Việt Nam thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là việc xây dựng các chuỗi giá trị cho các ngành hàng nông sản Việt. Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với WEF củng cố và mở rộng thêm các Nhóm công tác PPP ngành hàng ra các mặt hàng khác; thu hút thêm sự tham gia của các tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Việt Nam sẽ nhân rộng mô hình hợp tác PPP ra 10 mặt hàng chủ lực quốc gia, tiến tới nhân rộng ra các nhóm mặt hàng cấp tỉnh và nhóm các mặt hàng địa phương.
“Chúng ta cần khẳng định phương thức đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) là một trong những phương thức đầu tư hiệu quả”, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại diễn đàn.
Hiện nay, Việt Nam đã thành lập 7 nhóm công tác PPP ngành hàng bao gồm: Cà phê; chè; rau quả; thủy sản; hồ tiêu và gia vị; lúa gạo và hóa chất nông nghiệp. Đồng chủ trì các Nhóm công tác PPP ngành hàng là các đơn vị chuyên ngành của Bộ NN&PTNT, các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, hiệp hội ngành hàng, địa phương.
Các Nhóm công tác PPP ngành hàng đã gắn bó, phối hợp với các đối tác trong chuỗi giá trị để xây dựng các chuỗi giá trị liên kết bền vững như chuỗi sản xuất và chế biến khoai tây của PepsiCo, chuỗi gạo của Bayer và Vinafood 2, chuỗi cà phê của Néstle, chuỗi chè của Unilever…
Kết nối nông dân với các tổ chức chứng nhận quốc tế như 4C, UTZ, Rainforest Alliance; nâng cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập, qua đó tăng xuất khẩu ra thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường có yêu cầu cao.
“Nếu làm tốt theo chuỗi từ vùng nguyên liệu đến tổ chức sản xuất và tiêu thụ, xâu chuỗi lại từ người nông dân đến các doanh nghiệp và các tập đoàn thì giá trị xuất khẩu còn tăng lên nhiều lần so với giá hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định. Bộ trưởng cũng cho biết: Bộ mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn tham gia khai thác lợi thế, tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam.
Cho tới nay, đã có 21 nước trên thế giới thử nghiệm mô hình PPP trong nông nghiệp, với sự tham gia của hơn 650 tổ chức, công ty và tập đoàn toàn cầu trên thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đỗ Hương/baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn