Nông dân @
9h sáng, nhiệt độ trong khu nhà kính 5ha trồng dưa lưới nóng dần lên. Kỹ sư Nguyễn Đức Dũng (30 tuổi, quê Quảng Nam), phụ trách kỹ thuật nhà kính và nông học tại nông trại VinEco Long Thành (Đồng Nai), lúi húi kiểm tra các thông số trên hệ thống điều khiển của nhà kính.
Xung quanh anh chạy dài những giàn dưa lưới đủ chủng loại từ dưa vàng, dưa xanh, dưa sọc... sắp cho thu hoạch.
Một ngày của anh Dũng bắt đầu lúc 6h30 với việc phân chia công việc và hướng dẫn thao tác cho công nhân, kiểm tra sâu bệnh. Xong một vòng, trời đã gần trưa.
Nắng gắt, lưới cắt nắng tự động kéo ra, không khí trong nhà kính dịu xuống, anh Dũng tỉ mỉ kiểm tra các luống dưa với hệ thống ống tưới len lỏi đến từng gốc, dùng chiếc cân tay nâng những trái dưa đã 40 ngày tuổi, cẩn thận quan sát cây, lá.
Rời nhà kính, anh Dũng đến khu điều khiển hệ thống tưới kiểm tra, thiết lập các thông số. Anh cho biết các nhà kính đều có hệ thống điều chỉnh vi khí hậu tự động. Quá trình tưới nước, bón phân được điều khiển thông qua hệ thống tưới.
Bộ tưới phân được lên lịch tưới theo giờ, theo chu kỳ và tùy giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây, phân được bón dưới dạng hòa tan trong nước để cây hấp thụ tốt, phát triển nhanh, đồng đều.
Hệ thống điều tiết khí hậu bao gồm rèm che, quạt hút, lưới cắt nắng được điều chỉnh để tạo ra nhiệt độ, độ ẩm phù hợp nhất bên trong nhà kính thông qua bộ cảm biến nhiệt độ, độ ẩm và bộ đo đạc khí tượng.
"Công việc của chúng tôi là kiểm tra các thông số về nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ EC, pH để ra quyết định có cần thay đổi hay chỉnh sửa quy trình tự động đang được thiết lập hay không", anh Dũng giải thích.
Anh cũng trực tiếp huấn luyện các thao tác kỹ thuật trong quá trình chăm sóc dưa lưới cho công nhân, đảm bảo các bước chăm sóc đúng cách, đúng trình tự.
Nguyễn Đức Dũng là chân dung của một nông dân thời nay. Khác với thế hệ trước, cánh đồng của họ không còn là ruộng lúa, vườn rau mà là nhà kính, nhà màng hiện đại điều khiển bằng máy móc, công nghệ.
Truyền cảm hứng nông nghiệp cho mọi người
Là một trong 15 người tốt nghiệp chương trình thạc sĩ nông nghiệp đầu tiên tại Israel cùng với anh Dũng, cô gái trẻ Hoàng Thị Sen (26 tuổi, quê Cao Bằng) cũng có 10 tháng quý giá làm nông dân thực thụ tại các moshav (cụm trang trại) ở Israel.
Từ chuẩn bị đất, lên luống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và đóng gói trong nông trại ở Israel, Sen đều đã trải nghiệm qua.
Sen kể khi vừa đặt chân đến Israel, bạn đã choáng ngợp trước những nông trang hiện đại, quy trình đồng bộ, chặt chẽ: "Cứ vài moshav lại có trung tâm nghiên cứu cho riêng khu vực đó.
Nông dân chỉ cần gửi kế hoạch sản xuất, còn lại tất cả các khâu như cung cấp giống, phân bón sẽ có các đơn vị tính toán, đưa đến tận nơi, nông dân cũng không kiểm tra xem trong phân bón có gì".
Hàng ngày Sen làm việc với các hệ thống tưới nhỏ giọt, phun, văng, công nghệ thu sương để lấy nước, các phần mềm tưới tự động, phân bón, vận hành thành thạo các hệ thống hiện đại trong nhà kính của nông dân Israel, rồi tiếp tục học cấy mô, học về sâu bệnh, bảo quản, giống...
Năm 2016, từ Israel trở về với tấm bằng thạc sĩ khoa học cây trồng của ĐH Tel Aviv (Israel), Sen chọn đầu quân cho một trong những nông trang công nghệ đầu tiên ở Việt Nam mà bạn chấm điểm 8 khi so sánh với Israel.
Cũng là hệ thống nhà kính, tưới nhỏ giọt, phân bón tự động... từng quen thuộc tại Israel nhưng quy trình chọn giống, ươm cây Sen phải tự làm (thay vì có các đơn vị hỗ trợ).
Sen bảo sự cách biệt giữa hai nền nông nghiệp còn rất lớn nên nhiều điều cần phải có một thời gian dài để gầy dựng. Với Sen, chuyến đi Israel thật sự "đã truyền cảm hứng nông nghiệp cho mọi người".
Ở Israel, nhiều nông dân có bằng đại học hay thạc sĩ, giao tiếp tiếng Anh lưu loát và vô cùng cởi mở trong việc chia sẻ những điều họ biết. Người Israel dạy con cái họ phải học thật giỏi để làm nông Hoàng Thị Sen đúc kết |
(Nguồn tin:TTO)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn