Gia đình anh Trần Văn Nam trước đây sống bằng nghề trồng lúa. Hơn 5 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường, trên diện tích 3ha đất trồng lúa, anh Nam sản xuất mỗi năm 3 vụ, vậy mà kinh tế gia đình bấp bênh, bởi năm nào “được mùa thì mất giá”. Đa phần sản xuất trong vụ hè thu hoặc thu đông, mưa bão liên tục làm cho lúa bị đổ ngã, năng suất thấp, dẫn đến tình trạng thua lỗ liên tục.
Năm 2014, anh "lặn lội" lên tận TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), đến huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), Tiền Giang để học tập, nghiên cứu nghề trồng hoa lan và nuôi cá cảnh. Ngoài ra, anh Nam còn bỏ công đi tham khảo nhiều mô hình trồng hoa lan xuất khẩu tại các địa phương ở khu vực ĐBSCL.
Nhiều tháng xuôi ngược, anh Nam quyết định chuyển 1 công đất vườn tạp phía sau nhà sang mô hình trồng lan trong nhà kính. 4 năm theo đuổi nghề trồng lan, đến nay vườn lan của anh Nam đã có đủ các loại hoa lan được thị trường ưa chuộng như: Dendro, Mokara, Vanda, Cattleaya, Ngọc Điểm, Hồ Điệp…
“Một công lúa, mỗi năm cho tiền lời chưa đến 8 triệu đồng, trồng lan xuất khẩu hoặc tiêu thụ thị trường nội địa, mỗi công cho giá trị kinh tế gần 1 tỷ đồng. Nhiều hộ trồng lan chỉ ngắm cho thỏa thích, còn tôi trồng lan, ngoài thỏa mãn đam mê, tôi còn kinh doanh. Hiện nay, tôi cung cấp cho thị trường nhiều loại lan, trong đó có các loại lan cấy mô, cây giống, cây thành phẩm và cây đang ra bông. Ngoài kinh doanh hoa lan trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, hàng tháng chúng tôi đều có thu nhập từ việc bán giống và vật tư ngành lan” - anh Nam chia sẻ.
Hưởng ứng chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều hộ nông dân trong tỉnh, nhất là ở các địa phương như: TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, Chợ Mới, Châu Phú đã chuyển sang trồng cây ăn quả, trồng lan, cây cảnh và nuôi cá cảnh. Nhiều hộ đã đầu tư cho mô hình của mình lên đến hàng tỷ đồng, doanh thu hàng năm tăng đáng kể, giải quyết được vấn đề thu nhập và việc làm cho lao động, trong đó có nhiều mô hình sinh thái, thân thiện với môi trường.
…Đến cá cảnh
“Nếu tính đến giá trị kinh tế trong NN đô thị, có thể nói sinh vật cảnh là ngành mang lại giá trị kinh tế cao nhất hiện nay. Một công đất trồng lúa, mỗi năm cho lãi không quá 8 triệu đồng nhưng cũng chính công đất đó, trồng lan thì mỗi năm lãi lên đến hàng trăm triệu đồng. Còn nuôi cá Koi, loại cá được xem là “quốc ngư” của Nhật Bản thì giá trị lên đến hàng tỷ đồng là chuyện bình thường. Vì vậy, ở đô thị ngành sinh vật cảnh được xem là hàng đầu” - ông Trần Thanh Tú (TP. Châu Đốc) khẳng định.
Đam mê với ngành sinh vật cảnh, thời gian qua, ông Tú đã đi khắp cả nước để tìm những mô hình hay, có giá trị kinh tế cao để nghiên cứu, học tập. Ông Tú đã tìm đến trang trại nuôi cá Koi của Công ty TNHH TMDV Hải Thanh do ông Lê Hữu Dũng làm Tổng Giám đốc, trang trại tọa lạc tại xã Trung An (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh), tìm hướng liên kết sản xuất. Theo ông Tú, cá Koi vừa nuôi để xuất khẩu, vừa bán được trong nước.
“Tôi tham quan mô hình trang trại nuôi cá Koi của anh Hữu Dũng tại Củ Chi rộng đến 12 ha. Tại đây, có những con cá khi xuất sang Nhật có giá trị lên đến 1.200 USD. Nếu không xuất khẩu thì tiêu thụ nội địa rất có giá trị, hiện nay phong trào chơi cá cảnh phát triển rất mạnh” - ông Tú chia sẻ.
Trồng hoa lan, cây kiểng, nuôi cá cảnh là một trong những hướng đi mới của NN đô thị, hướng đi này vừa nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích, giải quyết được lao động có việc làm ổn định ở đô thị, vừa thân thiện với môi trường. Ngoài việc bán sản phẩm, nhiều nhà vườn đã biết kết hợp làm du lịch cho thu nhập rất cao, đây là hướng đi mới cho NN đô thị.
“Lợi ích của việc trồng hoa lan trong nhà kính là quản lý được nhiệt độ, ẩm độ, sâu bệnh, từ đó hạn chế được chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chi phí sản xuất thấp trong khi giá bán cao, người trồng sẽ thu lãi nhiều hơn. Trồng lan trong nhà kính là xu thế trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay…” - ThS Trần Thanh Tuyến, chuyên gia hoa lan (TP. Long Xuyên) chia sẻ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn