|
Ngư dân vận chuyển cá ngừ đại dương lên bờ để sơ chế tại cảng Hòn Rớ, phường Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: TIẾN THÀNH |
Nhiều doanh nghiệp lo lắng khả năng thiệt hại lớn, không thể xuất khẩu nếu ngư dân xâm hại cá heo khi đánh bắt cá ngừ. Hàng loạt biện pháp đã được thực thi để bảo vệ cá heo...
Đã 7 tháng kể từ khi áp dụng quy định an toàn cá heo của Mỹ, chưa có lô hàng VN nào bị trả về. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm bởi chỉ cần một hành vi vi phạm bị phát hiện, thiệt hại cho ngành đánh bắt, chế biến cá ngừ có thể sẽ rất lớn.
Phiền phức cũng không được “đụng” cá heo
Theo quy định của Cục Nghề cá biển quốc gia Hoa Kỳ (NMF), bắt buộc phải dán nhãn “Dolphin Safe” - “An toàn cá heo” với tất cả sản phẩm liên quan đến cá ngừ nhập vào nước này. Để thực hiện điều này, tại VN có nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều nguy cơ bởi theo ngư dân, cá heo nhiều lúc gây khá nhiều phiền phức.
Ngày 2-1, trao đổi với PV., ông Nguyễn Tấn Lầu, ngư dân ở đường Đoàn Trần Nghiệp (TP Nha Trang, Khánh Hòa) - người có 32 năm làm nghề khai thác cá ngừ, cho biết có lúc tàu cá ngừ lưới rê của ông đã gặp cả đàn ước chừng tới vài trăm con cá heo gồm đủ cỡ cá mẹ, cá con, dàn rộng đến cả cây số vuông trên biển.
“Dù không có quy định nhưng mỗi khi gặp phải cá heo như vậy, ngư dân tụi tui phải thu lưới hoặc tìm cách né tránh. Bởi nếu đụng độ với cá heo thì mình chỉ có thất bại chứ chẳng thu được gì. Có dụ được cá, mực vào trong lưới thì cũng bị cá heo ăn sạch, có khi còn bị hư luôn cả lưới” - ông Lầu nói.
Ông Trần Văn Đạt (ở Hòn Rớ, TP Nha Trang, đã khai thác cá ngừ hơn 20 năm) kể: “Mỗi lần thấy có cá heo trên biển thì chỉ có nước tắt đèn, bỏ chạy, chứ không thì nó kéo tới xúm nhau ăn sạch hết cá mực”.
Kinh nghiệm tránh va chạm với cá heo và cũng tránh thiệt hại cho mình, theo ông Nguyễn Tấn Lầu: “Một khi đã giăng lưới mà gặp cá heo ào tới thì ngư dân phải nhảy xuống biển, xúm nhau chặn, dìm sâu lưới xuống nước để cho cá heo lướt tới đi ra”.
Sau đó lo thu lưới tìm vùng biển khác khai thác, vì vùng biển có cá heo đi qua cũng chẳng còn gì để đánh bắt nữa. Còn “trường hợp thấy trước được đàn cá heo từ xa thì mình phải tìm cách cho tàu đi vòng để tránh và đi ngược lại với chiều di chuyển của cá heo với khoảng cách 5-10 hải lý. Sau đó mới quăng lưới, có vậy mới không thất bại” - ông Lầu nói.
PGS.TS Võ Sĩ Tuấn - viện trưởng Viện Hải dương học (tại Nha Trang) - cho biết nhiều loài cá heo là động vật quý hiếm đã được đưa vào Sách đỏ để bảo vệ theo quy định của pháp luật VN.
Nhiều nước trên thế giới cũng có các quy định, chương trình bảo vệ cá heo. Do đó việc dán nhãn “An toàn cá heo” của Hoa Kỳ là bình thường.
Tuy quy định trên có vẻ khắt khe nhưng đối với ngư dân VN, theo ông Tuấn, không phải là điều không thể thực hiện. Bởi “cá heo cũng như cá voi là các loài sinh vật biển rất thân thiện, được ngư dân VN ở tất cả vùng đều tôn thờ” - PGS.TS Tuấn nói.
Từng bị cảnh báo
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), năm 2013 sản phẩm cá ngừ VN từng bị Tổ chức Earth Island Institute (EII) của Mỹ cảnh báo do nghi ngờ việc đánh bắt cá gây ảnh hưởng tới sự sinh tồn của cá heo và hệ sinh thái biển.
EII đã đưa ra cảnh báo đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ của VN về việc không được sử dụng nguyên liệu cá ngừ vằn khai thác bằng phương pháp lưới cản.
Vì theo EII, việc khai thác bằng lưới cản vi phạm những điều khoản về bảo vệ cá heo và môi trường biển trong dự án “Dolphin Safe Tuna”. VASEP cũng đã phải lên tiếng phản đối việc một nhóm ngư dân ở Phú Quốc đưa lên Facebook (vào tháng 11-2016) những hình ảnh cũ về việc xẻ thịt một con cá heo vốn đã bị chết từ tháng 4-2012.
Và để đảm bảo phát triển bền vững cho nghề đánh bắt và cả lĩnh vực chế biến cá ngừ, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đã phối hợp với VASEP thực hiện “Đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ chuỗi” để hiện đại ngành nghề và tập huấn cho các thuyền trưởng tàu khai thác cá ngừ về “An toàn cá heo trong khai thác cá ngừ”.
Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, đến nay ở Khánh Hòa chưa có lô hàng cá ngừ xuất khẩu nào bị trả về vì vi phạm quy định “An toàn cá heo”.
Thế nhưng nếu không thông tin, trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho ngư dân bảo vệ cá heo, một khi có lô hàng cá ngừ xuất khẩu bị trả về thì doanh nghiệp có thể sạt nghiệp, cả các chủ tàu thuyền, ngư dân làm nghề khai thác cá ngừ cũng chịu vạ lây.
Bởi mỗi chuyến biển xa bờ khai thác cá ngừ đều phải chi phí rất nhiều; còn các lô hàng cá ngừ xuất khẩu đều có giá trị cao, thu được nhiều ngoại tệ cho doanh nghiệp, tạo nguồn thu nhập lớn cho ngư dân.
|
Ngư dân vận chuyển cá ngừ đại dương lên bờ để sơ chế tại cảng Hòn Rớ, phường Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa Ảnh: TIẾN THÀNH |
Sẽ tập huấn cho ngư dân
Theo ông Nguyễn Trọng Chánh, hiện tại quy định bảo vệ và dán nhãn “An toàn cá heo” mới có hiệu lực tại Mỹ, nhưng sắp tới có thể sẽ áp dụng tại cả thị trường châu Âu (EU). Bởi đó cũng chính là quy định của Liên Hiệp Quốc và đòi hỏi của các tổ chức quốc tế bảo tồn thiên nhiên thế giới; các tổ chức bảo vệ cá heo và đa dạng sinh học của EU, Hoa Kỳ, Úc.
Chính vì vậy ngoài tập huấn cho ngư dân ở Khánh Hòa, Cục Thủy sản và VASEP cũng đã phối hợp tập huấn cho thuyền trưởng các tàu cá ở Phú Yên, Bình Định, Bình Thuận và Tiền Giang, xem như điều kiện cần phải đảm bảo để xuất khẩu cá ngừ và thủy sản VN không bị ảnh hưởng.
Ngoài việc tập huấn, cấp chứng nhận đào tạo cho các thuyền trưởng, theo ông Chánh, Khánh Hòa và các tỉnh đã và đang đầu tư, hỗ trợ ngư dân và các doanh nghiệp vay vốn đóng tàu khai thác xa bờ hiện đại, trang bị ngư cụ, thiết bị đánh bắt đảm bảo theo quy chuẩn của VN và các nước.
Đặc biệt, Khánh Hòa và các tỉnh đang triển khai thí điểm “Đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ chuỗi” để tăng chất lượng cá ngừ đánh bắt và xuất khẩu.
Các chuyên gia đều cảnh báo ngư dân và người dân nên có ý thức bảo vệ cá heo, bởi nếu để phát hiện một trường hợp cá heo bị sát hại hoặc vi phạm quy định bảo vệ cá heo, ảnh hưởng có thể sẽ rất lớn đến hàng ngàn ngư dân, thậm chí sản phẩm cá ngừ VN sẽ bị nhiều nước dừng nhập khẩu.
Nhiều cách đánh bắt cá ngừ
Theo ngư dân Nguyễn Tấn Lầu, các tàu khai thác cá ngừ bằng lưới vây hay lưới rê thường gặp phải cá heo vì cá heo ăn được rất nhiều loại mồi, gặp các đàn cá ngừ, mực... cá heo sẽ đuổi theo để ăn mồi.
Khai thác cá ngừ có nhiều hình thức: nghề câu đối với loại cá ngừ đại dương (hay còn gọi là cá bò gù, chủ yếu bắt cá nặng từ mấy chục ký trở lên).
Bên cạnh đó có loại kéo lưới rê (hay còn gọi là lưới cản) và kéo lưới vây (còn gọi là lưới rút). Hai loại sau đánh bắt được tất cả các loại cá ngừ, từ vài ba ký trở lên đến mấy chục ký mỗi con.
Quy định nghiêm ngặt về bảo vệ cá heo Theo quy định “An toàn cá heo”, các doanh nghiệp xuất khẩu và các nhà máy chế biến cá ngừ xuất khẩu ngoài việc phải cung cấp giấy chứng nhận xuất xứ thủy sản còn phải có giấy chứng nhận của thuyền trưởng tàu khai thác khẳng định không có lưới vây hay thiết bị khai thác nào khác để bao vây cá heo suốt chuyến đi đánh bắt cá ngừ; không có con cá heo nào bị giết hoặc bị gây thương tích nghiêm trọng... Tất cả thuyền trưởng các tàu khai thác cá ngừ cũng bắt buộc phải có chứng chỉ hoàn tất khóa học “Đào tạo an toàn cá heo dành cho thuyền trưởng”. Cùng với các yêu cầu trên, Cục Nghề cá biển quốc gia Hoa Kỳ còn đưa ra cả một “rừng” quy định chi tiết trong quá trình đánh bắt trên biển để bảo vệ cá heo. Trong đó có yêu cầu các thuyền trưởng và ngư dân phải phân loại ngay trên biển phần cá ngừ đã khai thác không an toàn với cá heo (trường hợp mẻ lưới có cá heo bị chết hoặc bị thương tích nặng). Khi đưa cá lên tàu bảo quản cũng phải tách biệt số cá ngừ đánh bắt theo mẻ lưới có cá heo bị chết hoặc bị thương tích với số cá ngừ an toàn... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn