Những năm gần đây, giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố liên tục tăng; năm 2013 đạt 14.634 tỷ đồng; năm 2014 đạt 15.330 tỷ đồng; năm 2015 đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng và đến năm 2016, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp của thành phố đạt hơn 19.685 tỷ đồng... Ðây là kết quả khả quan của quá trình chuyển đổi cơ cấu theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị; nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng giá trị sản xuất hàng hóa trên một đơn vị diện tích, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân. Ðể đạt được kết quả này có phần đóng góp tích cực của mô hình HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, giá trị sản xuất của các HTX nông nghiệp thời gian qua còn khá khiêm tốn. Cụ thể, năm 2013, giá trị sản xuất của các HTX nông nghiệp là 241,1 tỷ đồng; năm 2014 là 265 tỷ đồng; đến năm 2016, đạt 327 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân làm cho tỷ trọng đóng góp của kinh tế HTX thấp là do còn khá nhiều HTX hoạt động chưa hoặc không hiệu quả. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong số 41 HTX nông nghiệp đang hoạt động, chỉ có 24 HTX làm ăn hiệu quả, 15 HTX chưa hiệu quả; hai HTX hoạt động không hiệu quả. Ðể HTX hoạt động hiệu quả, trước hết, việc thành lập HTX phải xuất phát từ nhu cầu liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các thành viên; Hội đồng quản trị phải gắn bó, đoàn kết, có trình độ hiểu biết thị trường, biết chủ động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác làm ăn; có khả năng tổ chức, điều hành sản xuất, kinh doanh; chủ động đề ra phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp; công khai, minh bạch trong các mặt hoạt động, nhất là minh bạch thu, chi, tài chính. Ngược lại những HTX khi thành lập mà không có sự thống nhất trong phương án sản xuất, kinh doanh; phương án sản xuất, kinh doanh không phù hợp; trình độ, năng lực của Hội đồng quản trị yếu kém sẽ không phát huy được nội lực, không chủ động tìm kiếm thị trường, đối tác... dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp, thậm chí hoạt động không hiệu quả.
Hoạt động của các HTX nông nghiệp ở thành phố những năm qua cho thấy, mô hình kinh tế hợp tác có nhiều ưu điểm vượt trội so với làm ăn riêng lẻ. HTX là đầu mối tiếp nhận những chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp của thành phố được triển khai thông qua HTX. Nhờ đó, nông dân được tiếp cận, ứng dụng khoa học, kỹ thuật canh tác mới giúp tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập... Nông dân được mua giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi với giá rẻ hơn; đồng thời có nơi tiêu thụ sản phẩm ổn định cả về sản lượng và giá bán. Với kỹ thuật canh tác tiên tiến, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, các HTX nông nghiệp đang góp phần tích cực trong cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm an toàn cho người dân thành phố.
Xu hướng làm ăn tập thể với mô hình HTX nông nghiệp ngày càng được khẳng định trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố. Với tổng số 56 xã nông thôn ngoại thành thì số HTX nông nghiệp đang hoạt động vẫn khá khiêm tốn. Ðể kinh tế tập thể trở thành nòng cốt trong sản xuất nông nghiệp, giữ vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, bên cạnh việc củng cố, phát huy hơn nữa thế mạnh của các HTX làm ăn hiệu quả, cần chấn chỉnh, nâng cao chất lượng về tổ chức, hoạt động của các HTX chưa hiệu quả và thành lập các HTX mới. Khi thành lập các HTX mới, cần tuyên truyền, vận động để người nông dân hiểu rõ những lợi ích vượt trội của mô hình kinh tế hợp tác, từ đó tự nguyện tham gia. Ðây là điều kiện quan trọng để HTX hoạt động hiệu quả, đem lại lợi ích nhiều hơn cho xã hội và cho từng xã viên.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn