Đoàn công tác Cục Trồng trọt (Bộ NN- PTNT) thăm, khảo sát một số mô hình lúa lai thế hệ mới của Trung Quốc. |
Là một quốc gia với trên 1,4 tỷ dân, Trung Quốc cũng là quốc gia có nhiều cái “nhất” trên thế giới: Diện tích và sản lượng lúa gạo lớn nhất (146 triệu tấn), tiêu thụ lúa gạo lớn nhất (142,6 triệu tấn); số đầu lợn cao nhất và tiêu thụ thịt lợn đứng hàng đầu thế giới; sản lượng kê, lạc, khoai tây... của Trung Quốc cũng luôn đứng đầu.
Trong lĩnh vực lúa gạo, Trung Quốc là một trong các quốc gia có nhiều thành tích kỳ diệu trong nghiên cứu, chọn tạo giống, đã cho ra đời lúa ưu thế lai, lúa chịu mặn... góp phần tăng năng suất, sản lượng lúa không chỉ ở Trung Quốc mà các giống lúa mới của Trung Quốc còn xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Công tác nghiên cứu là vậy, còn việc quản lý giống cây trồng được Trung Quốc tiến hành như thế nào?
Trong suốt những thập niên đầu của thế kỷ XXI, Trung Quốc quản lý giống cây trồng khá nhiêu khê với danh mục giống cây trồng chính lên tới 28 loại; có 3 cấp thẩm định và công nhận cho sản xuất gồm cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Và giai đoạn này có hàng ngàn giống cây trồng cấp tỉnh được công nhận hàng năm.
Để thẩm định và công nhận mỗi loại giống, thời gian sau khi các tác giả, cơ quan tác giả đã hoàn thiện quá trình chọn tạo cũng mất 3-4 năm với cây lương thực, thực phẩm hàng năm, mặc dù giai đoạn này Trung Quốc chưa quy định cụ thể về bảo hộ giống cây trồng. Số lượng các doanh nghiệp, công ty sản xuất, kinh doanh lĩnh vực giống cây trồng cũng nở rộ và khá phức tạp.
Nhận thấy, lĩnh vực quản lý giống cây trồng còn nhiều bất cập, mặc dù luật giống cây trồng của Trung Quốc được ban hành từ năm 2001, nhưng các quy định của luật này hiện không còn phù hợp, nên năm 2011 Quốc vụ viện Trung Quốc bắt đầu tiến chỉnh sửa luật, ban hành luật mới trên cơ sở điều tra, tổng hợp ý kiến của các nhà sản xuất kinh doanh giống, các nhà khoa học nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng.
Có gần ½ ý kiến kiến nghị bỏ việc thẩm định và công nhận giống, với các lý do: Thời gian thẩm định quá dài (3-4 năm); Thẩm định nhưng không có trách nhiệm, khi có vấn đề thiệt hại do giống, nông dân chính là người bị thiệt hại lớn nhất; Tiêu chí thẩm định để công nhận rất đơn chất và nặng về năng suất (số lượng là chính); Thẩm định, công nhận và bảo hộ không gắn kết với nhau và việc thẩm định theo vùng sinh thái không khoa học, lẫn lộn với vùng hành chính.
Sau 4 năm xây dựng, lấy ý kiến, ngày 4/11/2015 Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Luật giống có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 nhằm thúc đẩy phát triển và hiện đại hóa ngành giống. Luật giống có 10 chương bao gồm: (i) Điều khoản chung, (ii) Bảo tồn nguồn gen, (iii) Chọn tạo công nhận và ghi nhận hồ sơ giống, (iv) Bảo hộ giống cây trồng mới, (v) Hoạt động sản xuất kinh doanh giống, (vi) Giám sát và quản lý giống, (vii) Xuất nhập khẩu và hợp tác quốc tế, (viii) Các biện pháp trợ giúp, (ix) Trách nhiệm pháp lý và (x). Các điều khoản bổ sung.
Một số giống lúa lai thế hệ mới của Trung Quốc. |
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, những vấn đề cơ bản của hệ thống công nhận giống của Trung Quốc đã được sửa đổi bao gồm:
1.Số lượng cây trồng (cây trồng chính) buộc phải công nhận đã giảm từ 28 loại xuống còn 5 loại là lúa, lúa mỳ, ngô, bông và đậu tương. Trước đây cải dầu, khoai tây và lạc buộc phải công nhận nhưng theo luật mới các cây này không phải bắt buộc công nhận nữa mặc dù đều là những cây có diện tích lớn.
2.Luật mới cũng đưa ra khái niệm về “luồng xanh” trong hệ thống công nhận: Cho phép các công ty giống đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định về nghiên cứu, chọn tạo, đánh giá và khảo nghiệm, thuê khảo nghiệm được tự thực hiện các bước theo quy định và tự tiến hành công nhận giống.
3.Giống đã được thẩm định và công nhận được phép sản xuất kinh doanh ở vùng sinh thái tương tự mà không phải mất thêm công đoạn thử nghiệm và công nhận như trước đây khi đưa nó đến một vùng khác có điều kiện sinh thái tương tự ở Trung Quốc.
4. Các loài cây trồng không thuộc 5 loài trên chỉ cần nộp hồ sơ ghi nhận cho cơ quan quản lý nhà nước được phân công, tuy nhiên Trung Quốc cũng chưa ban hành danh mục các loài phải nộp hồ sơ ghi nhận.
5. Công nhận và bảo hộ được tích hợp với nhau trong luật này.
6. Xử phạt vi phạm tăng gấp vài chục lần, thậm chí hàng trăm lần để điều chỉnh hành vi khiến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải thận trọng rất nhiều khi đưa giống ra bán cho nông dân.
7. Giấy phép sản xuất và kinh doanh được gộp làm 1 thay vì chia ra 2 loại như trước đây và luật này cũng bỏ yêu cầu về vốn kinh doanh tối thiểu để tạo sự dễ dàng hơn khi xin cấp phép.
8. Chính phủ tăng cường sự trợ giúp và trợ cấp cho ngành giống thông qua quy định trong luật.
Các sửa đổi cơ bản này nhằm khắc phục những bất cập của các quy định trước đây và giảm thiểu nhũng nhiễu, phiền hà do mất thời gian thẩm định công nhận để đưa các tiến bộ mới về giống ra phục vụ sản xuất nhanh, kịp thời hơn.
Xin được dẫn chiếu các quy định mới trong luật này (Chương III) về chọn tạo và công nhận, ghi nhận hồ sơ giống (ghi nhận hồ sơ là tự công bố với các giống cây trồng không bắt buộc công nhận), hy vọng đây là kênh tham khảo tốt và sát cho Việt Nam khi xây dựng Nghị định và các TCVN để hướng dẫn và thực thi Luật Trồng trọt đã được ban hành và có hiệu lực từ 01/1/2020.
Một vấn đề chúng ta cũng đang bàn bạc thảo luận là, bản quyền và quyền sáng chế các giống cây trồng mới liên quan đến việc chọn tạo giống sử dụng ngân sách nhà nước, Luật giống của Trung Quốc quy định sở hữu thuộc về cơ quan thực hiện dự án, đề tài , trừ các giống và sáng chế liên quan đến an ninh, lợi ích quốc gia hoặc lợi ích cơ bản của xã hội và cộng đồng. Việc chuyển giao quyền sở hữu này phải thông qua sàn giao dịch thương mại công khai, cấm giao dịch tư nhân (điều 13).
Tại điều 15 quy định, nhà nước thực thi chương trình công nhận giống cho các giống cây trồng và giống cây lâm nghiệp chính. Các cấp độ công nhận là cấp quốc gia, cấp tỉnh. Giống cây lâm nghiệp chính được xác định bởi các cơ quan quản lý hành chính nông lâm nghiệp thuộc cấp tỉnh, khu tự trị hặc thành phố trực thuộc Trung ương thì được công nhận ở cấp tỉnh. Các giống được công nhận phải có tính khác biệt, ổn định và đồng nhất.
Các biện pháp công nhận phải áp dụng các nguyên tắc công bằng, công khai, khoa học và hiệu quả và phải tham khảo ý kiến của các nhà chọn tạo, sử dụng, sản xuất kinh doanh và đại diện các ngành liên quan đến giống cây trồng đó.
Luật giống của Trung Quốc cũng quy định khá chi tiết việc thành lập các ủy ban thẩm định (hay hội đồng công nhận) phải đảm bảo tính chuyên nghiệp, Hội đồng phải lập hồ sơ quản lý việc công nhận, theo dõi được giống khi phóng thích cũng như các thông tin liên quan và chịu sự giám sát của xã hội. Đối với “làn xanh” tức là các doanh nghiệp có hoạt động kết hợp giữa chọn tạo, nhân và phổ biến giống đáp ứng các điều kiện của cơ quan quản lý có thể tự tiến hành khảo nghiệm theo tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn công nhận giống trong trường hợp giống được chọn tạo độc lập từ doanh nghiệp đó. Hội đồng công nhận phải phát hành chứng chỉ công nhận với những giống đạt tiêu chuẩn công nhận. Các doanh nghiệp giống chịu trách nhiệm về tính trung thực của số liệu thí nghiệm và phải truy xuất được nguồn gốc, phải chịu sự giám sát từ các cơ quan quản lý nông lâm nghiệp cấp tỉnh trở lên và của xã hội. Các giống cây trồng được công nhận cấp quốc gia phải được công bố bởi các cơ quan quản lý về nông lâm nghiệp thuộc Quốc vụ viện (Bộ Nông lâm nghiệp). Việc công nhận có thể bị hủy bỏ nếu phát hiện có những kiếm khuyết nặng không thể khắc phục được, cơ quan quản lý phải ra thông báo dừng bán và phổ biến giống đó. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn