Điệp khúc giải cứu nông sản
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận định, những kết quả tích cực đạt được về kinh tế - xã hội thể hiện vai trò đầu tàu, gương mẫu, sâu sát cơ sở, tạo động lực, truyền cảm hứng, khơi gợi sự năng động của thị trường từ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; đồng thời minh chứng vai trò của Chính phủ kiến tạo và hành động, kiên quyết tháo gỡ những ách tắc về thể chế để guồng máy vận hành minh bạch.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, thì “vẫn còn một số hạn chế cần tập trung tháo gỡ”. Một trong số đó là “các vụ giải cứu nông sản năm nào cũng tái diễn”. Theo đó, “giải cứu thịt lợn, mía đường, khoai lang, dưa hấu và gần đây là củ cải, khiến hàng vạn nông dân lao đao, phá sản”.
“Tại sao có nhiều hội thảo, hội nghị bàn cách giải cứu nông sản, mà không bàn cách không giải cứu nông sản - đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài trong tiến trình cơ cấu ngành nông nghiệp”, đại biểu nêu vấn đề và cho rằng, để không còn “nền nông nghiệp giải cứu”, “nông nghiệp từ thiện”, cần hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó hướng tới xây dựng ngành hàng nông sản”.
Tuy nhiên, “việc chuyển tư duy này không phải một vài mùa vụ, hay tự phát ở nơi riêng lẻ, một vài địa phương tự phát triển khai, mà cần hệ thống chính sách hỗ trợ cho công nghệ chế biến, thương mại hóa sản phẩm, kết nối thị trường”. Muốn vậy, “cần đổi mới công tác khuyến nông theo hướng không chỉ hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng sản lượng, mà hỗ trợ người sản xuất tiếp cận thông tin thị trường, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản và phát triển thị trường”, đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất.
Chưa thấy vai trò tư lệnh của ngành Nông nghiệp?
Lấy vụ “cà phê pin” ra làm ví dụ, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP. Hồ Chí Minh) gay gắt truy trách nhiệm Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT trong việc bảo vệ uy tín nông sản Việt.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đã gọi vụ việc này là một trong quá nhiều những thứ “giả” đang làm suy giảm lòng tin, những hành vi vô văn hoá, ích kỷ trong nhiều lĩnh vực làm tổn thương hình ảnh đất nước.
“Vụ cà phê pin không phải là lợi nhuận nữa mà là tội phạm, nguyên nhân sâu xa là văn hoá chúng ta đang có nhiều vấn đề, liệu chúng ta đã đặt đúng vai trò của nó trong việc phát triển xã hội chưa? Đầu tư ở đây không chỉ là tiền bạc, nhân lực mà còn là nhận thức”, đại biểu Hưng nói.
Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại biểu Tô Thị Bích Châu cho biết, bà chưa hài lòng về phát biểu của ông vì chưa thấy vai trò của tư lệnh ngành trong việc bảo hộ cho nông dân. Bà đưa ra câu chuyện cà phê pin, tiêu pin. Cụ thể, ngày 15/4, sau khi vụ việc tràn lan trên báo chí, các hãng tin lớn trong ngoài nước đồng loạt đưa tin, nhưng mãi tới ngày tới 24/4 mới có chánh văn phòng của tỉnh Đắk Nông khẳng định là đến thời điểm này hỗn hợp thu giữ không dùng để sản xuất cà phê. “Trong 10 ngày đó, nông dân đã rất lao đao, thế thì tư lệnh ngành đâu, Bộ Công Thương đâu, Hội bảo vệ người tiêu dùng đâu?”, bà Châu đặt câu hỏi.
Theo đại biểu Châu, Bộ Nông nghiệp và PTNT phải bảo vệ người nông dân vì xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 và phải khẳng định cà phê là tốt, tiêu là tốt. “Nếu như chúng ta không khẳng định sản phẩm chúng ta là tốt mà vẫn im lặng cho tới ngày hôm nay sẽ gây hoang mang”, bà Châu nói.
Cũng phản biện tư lệnh ngành nông nghiệp, đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) cho rằng, trong kinh tế thị trường chỉ có sản xuất hàng hoá và tiêu thụ hàng hoá, chỉ có quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu thụ nên việc Bộ Nông nghiệp và PTNT đang phân cấp trách nhiệm 3 cấp chính quyền trong việc hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm đã góp phần dẫn tới tình trạng “được mùa rớt giá”, giải cứu nông sản.
Theo đại biểu, trong cách mạng CN 4.0, nông nghiệp thông minh là sản xuất theo yêu cầu, trong khi đó nông dân đang sản xuất hàng hoá theo trào lưu mà không tính đến yếu tố cung cầu. Ông đề nghị phải xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về nông nghiệp với năng lực sản xuất, sản lượng tiêu thụ, giá cả, môi trường kết nối internet, thì mới có thể giải toả, giải cứu nông sản khi được mùa rớt giá. Đây không chỉ trách nhiệm của ngành nông nghiệp mà còn đòi hỏi trách nhiệm của các bộ ngành khác
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT “nhìn thẳng hơn một chút là những giá trị gia tăng đó cuối cùng rồi ai là người thụ hưởng, có phải là người nông dân không?”. Ông chỉ ra thực tế năng suất lao động ngành nông nghiệp đang giảm và mong rằng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hết sức lưu ý tới những chi phí trung gian đã ăn hết lao động của người nông dân để khi thực hiện tái cơ cấu cũng lưu ý đến vấn đề cơ cấu lại nông nghiệp, cơ cấu lại cây trồng, thậm chí rà soát lại các quy hoạch đất, lúa ở Đồng bằng song Cửu Long hay quy hoạch ở các khu khác.
Ông Ngân cảnh báo, khoảng cách giàu nghèo ở nước ta đang gia tăng. Chúng ta cần có chiến lược tổng thể chấn hưng nền nông nghiệp, chiến lược đầu tư hạ tầng nông thôn để rút ngắn khoảng cách đó.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) thì trăn trở việc thuỷ sản Việt Nam bị phạt “thẻ vàng” do đánh bắt cá bất hợp pháp, không quản lý, không báo cáo... hiện chưa khắc phục xong, khiến người sản xuất nông nghiệp bất an, lo lắng.
Từng bước tháo gỡ khâu “yết hầu”
Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, về tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 2 “cái nhất”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu làm rõ vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu.
Theo đó, dù đang phải đối mặt với những “thách thức lớn nhất” (hiện đại hóa nền nông nghiệp từ nền kinh tế hộ nhỏ lẻ; biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt; cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày lớn...) nhưng được “sự quan tâm cao nhất” của cả hệ thống chính trị, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
“Cái nhất thứ hai”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, vừa qua nông nghiệp đón nhận sự ủng hộ, quan tâm chỉ đạo đồng bộ, thống nhất từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và các thành phần khác trong hệ thống chính trị. Quốc hội Khóa XIV mới hoạt động 2 năm đã thông qua 2 luật về nông nghiệp và sắp tới thông qua 3 luật, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho ngành, ra 3 nghị quyết chuyên đề cho nông nghiệp.
Từ sau khi kiện toàn Chính phủ, thì Thủ tướng Chính phủ đã 17 lần ban hành chỉ đạo với ngành nông nghiệp. Ở các địa phương, hầu hết Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và cả hệ thống chính trị đều vào cuộc. 63 tỉnh, thành đều làm xúc tiến thương mại cho các sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp. Những nỗ lực này đã tạo sự lan tỏa. Thực tế, trong hai năm qua, từ sức lan tỏa này của hệ thống chính trị, số doanh nghiệp đã tăng gấp đôi. Số hợp tác xã, trang trại nông hộ tăng đã giúp nông nghiệp đạt kết quả ban đầu quan trọng, có tính chất tiền đề.
Trong 4 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp đạt 4,05% - mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Hàng hóa nông nghiệp Việt Nam đã đến 180 thị trường trên thế giới, trong đó có một số thị trường rất khó tính. Giá trị tuyệt đối xuất khẩu nông sản rất cao, đến nay có thể dự báo vượt chỉ tiêu xuất khẩu năm 2018. Xuất khẩu tăng cả về lượng và chất. Số thặng dự năm 2018 cũng dự đoán vượt 9 tỷ USD. Giá trị thặng dư tăng sẽ tác động trở lại cho các đối tượng tham gia chuỗi sản xuất, góp phần cân đối ngoại tệ cho quá trình phát triển kinh tế thời gian tới.
Ba nhóm sản phẩm được xác định tái cơ cấu đang thực hiện theo tổ chức lại thành chuỗi, đưa công nghệ cao. Quá trình tái cơ cấu ba nhóm sản phẩm này đang đi đúng hướng, và trên một số sản phẩm có mô hình có thể trở thành điển hình. “Tức là tái cơ cấu trên ba nhóm sản phẩm đang đi đúng hướng, từng bước mang lại kết quả”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Ở khu vực nông nghiệp, doanh nghiệp tham gia chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp trong nước, trừ lĩnh vực thức ăn chăn nuôi gia súc, chế tạo giống. Thời gian tới, doanh nghiệp trong nước cũng sẽ chiếm thị phần chủ yếu, thể hiện hướng đi đúng với chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế.
Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều tồn tại như các đại biểu Quốc hội đã nêu như: Tính liên kết 3 trục sản phẩm (nhóm sản phẩm nông nghiệp cấp quốc gia; nhóm sản phẩm cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương cấp làng xã) chưa cao; khâu chế biến còn yếu dù thời gian qua chúng ta đã hành động tích cực; quản lý nhà nước còn nhiều bất cập (bất cập trong quản lý vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất, kiểm soát lưu thông hàng hóa); yếu về thị trường (thị trường hết sức bấp bênh, chưa ổn định, chưa có thương hiệu, chưa tổ chức được thị trường trong nước...);... Đồng thời cho biết, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để từng bước tháo gỡ khó khăn trong những khâu “yết hầu” nêu trên để đưa lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.
Về xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng cho biết, 19 tiêu chí đều được chỉnh sửa theo hướng nâng cao chất lượng cả về đời sống kinh tế, thúc đẩy sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, bảo vệ môi trường... Ví dụ, đưa mô hình vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu của Hà Tĩnh trở thành phong trào gắn với nông thôn mới. Phong trào OCOP (Mỗi xã, phường một sản phẩm) phát triển hàng hóa như ở Quảng Ninh cũng đưa vào một chương trình chung. Hoặc là phong trào bảo vệ môi trường với các thiết chế hạ tầng đầy đủ như của Nam Định.
“Riêng chỉ tiêu về nợ đọng xây dựng cơ bản, tổng số 16.000 tỷ đồng thì đến giờ phút này các địa phương đã trả và chỉ còn 2.400 tỷ đồng, tức là chỉ còn khoảng 15% và từ nay đến cuối năm hầu hết số nợ đọng xây dựng cơ bản của khu vực xây dựng nông thôn các tỉnh sẽ hoàn trả xong, không để tồn tại cho giai đoạn sau”, ông Cường khẳng định.