VCCI bàn việc “Kiện chống bán phá giá ở Việt Nam – Đánh thức công cụ bị bỏ quên”
Thứ tư - 24/07/2013 06:25
Hội thảo Đánh thức công cụ bị lãng quên và Kiện chống bán phá giá ở Việt Nam thực ra không có gì mới vì chúng ta đã có Luật Chống bán phá giá ra đời cách đây gần 10 năm (2004) chỉ khác là, hơn 10 năm trước, việc chống bán phá giá “nóng” lên ở thị trường nước ngoài thì giờ đây, đang diễn ra ở nước ta theo chiều ngược lại.
Thực tế cho thấy, hiện, hàng hoá nước ngoài đang bán phá giá vào Việt Nam để cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho ngành sản xuất của chúng ta. Hàng nhập khẩu cùng loại đang ngày càng tăng lên, khiến doanh thu của doanh nghiệp giảm liên tục và kéo dài …là những dấu hiệu biểu hiện “sức khoẻ”của các doanh nghiệp Việt đang yếu đi, vì vậy, không còn cách nào khác chúng ta phải tự bảo vệ mình, phải dùng công cụ thương mại để ngăn chặn sự phá hoại các ngành sản xuất trong nước. Đây không phải là vấn đề mới vì công cụ của chúng ta đã có từ lâu, song, việc sử dụng nó một cách có hiệụ quả thì chưa được như mong muốn.
Hiện, có nhiều công cụ để doanh nghiệp tự bảo vệ mình như: Tăng thuế nhập khẩu; đối với nhóm hàng công nghiệp phải đưa ra quy chuẩn khắt khe hơn, để ngăn chặn hàng nhập khẩu vượt hàng trong nước. Tuy nhiên, với nhóm hàng thực phẩm tươi sống thì chúng ta còn gặp phải khó khăn trong việc kiểm dịch, vì công nghệ của chúng ta chưa cao. Tuy nhiên, muốn làm được điều này, các doanh nghiệp phải trình bày được mình bị thiệt hại như thế nào, phải chứng minh hùng hồn cho đối phương thấy được do họ bán phá giá nên chúng tôi mới bị “sập tiệm”.
Cuối cùng, trước khi gửi đơn kiện các doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ những vấn đề như: nguồn nhân lực, tài chính; thời gian theo đuổi kiện; tính hiệu quả so với công sức bỏ ra. Thời gian gửi đơn lên VCCI từ 15-30 ngày, hoặc có thể hơn, song các doanh nghiệp phải lưu ý, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ thời gian rất ngắn.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn về Phòng vệ Thương mại Quốc tế, cho biêt:“ Thời gian qua chúng ta đã thắng 67 vụ kiện trong vấn đề phòng vệ thương mại Quốc tế. Nhà nước ta cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp rất nhiều trong việc mở các lớp tập huấn, hội thảo, thực chất của việc làm này là “phá băng” nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp hãy nắm lấy công cụ này để sử dụng khi mình bị thiệt hại. Việc ngày hôm nay chúng ta phải đánh thức công cụ bỏ quên gần 10 năm qua, là để nhắc nhở các doanh nghiệp hãy sử dụng và phát huy cao độ công cụ của mình để thu được nhiều thắng lợi hơn nữa trên mặt trận thương mại. Điều mà thời gian qua chúng ta đã làm nhưng chưa được như mong muốn. Chúng ta mới dừng lại ở việc đi kháng kiện chứ chưa đi khởi kiện”.