Vùng đất đồng bằng trù phú, là “vựa lúa”, là “cái ao xuất khẩu tôm, cá lớn” đang làm giàu cho ai? Còn đời sống nông dân vẫn lận đận, đất đai đang “nghèo nàn”, nguồn nước ô nhiễm nặng nề. Chưa có mấy công trình khoa học nghiên cứu mối liên hệ giữa bệnh tật và hóa chất từ đồng ruộng, thực phẩm.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón (trái) và ông Phạm Chánh Trực- nguyên Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thăm ruộng lúa hữu cơ ở xã Mỹ Lộc (Tam Bình- Vĩnh Long). |
Chúng tôi muốn đặt vấn đề trách nhiệm trực tiếp của Bộ Nông nghiệp- PTNT, muốn gửi gắm đến Chính phủ. Đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng đề ra những quyết sách mạnh mẽ và dành ra nguồn vốn khả dĩ để đưa nền nông nghiệp cất cánh không phải là chuyện không thể.
Những người nông dân khao khát cháy bỏng một chính sách cụ thể và hiệu quả.
Chuyển từ phụ thuộc sang chủ động thị trường
Có nghĩa là sản xuất theo yêu cầu thị trường, tiêu thụ theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ cụ thể. Tuy nhiên, những đơn đặt hàng, những hợp đồng kinh tế như vậy chưa phổ biến, đến thời vụ nông dân vẫn bán lúa tươi ngay trên đồng ruộng và nhiều công ty vẫn mua lúa qua thương lái dù đã có thị trường xuất khẩu. Cho nên sản xuất lúa ở đồng bằng không ổn định, thu nhập của nông dân vẫn bấp bênh.
Ông Phạm Chánh Trực (chú Năm Nghị)- nguyên Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương- cho rằng: “Lưu thông phân phối là chỉ dẫn của sản xuất trong nền kinh tế thị trường. Vì vậy, nông dân sản xuất cây, con gì thị trường có nhu cầu, xã hội cần thiết.
Vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hay doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần xác định vai trò và trách nhiệm “định hướng thị trường” lâu dài bằng cách đặt hàng, đầu tư cho nông dân và bao tiêu sản phẩm chất lượng như gạo sạch, an toàn, gạo hữu cơ. Như vậy chắc chắn sẽ vừa đảm bảo lợi ích cho nông dân, đồng thời doanh nghiệp sẽ chủ động được thị trường và kế hoạch kinh doanh của mình”.
Đó không phải là lý thuyết suông, mà là những trăn trở và tình cảm sâu nặng của ông Phạm Chánh Trực dành cho nông dân, đặc biệt đối với mảnh đất Tam Bình (Vĩnh Long) quê hương ông.
“Từ thời trẻ đã xa quê đi làm cách mạng, giờ đây mỗi lần trở về sao vẫn thấy người dân xứ mình còn nghèo quá, làm nông cơ cực, gian nan vậy mà thành quả thu được thì chưa bao giờ tương xứng.
Chưa nói đến những nguy hiểm, độc hại do thói quen xịt thuốc nhiều, thương bà con quá! Phải làm cái gì đó giúp nông dân mình!”- chú Năm Nghị chia sẻ đầy tâm tư. Và từ đó, đã bắt đầu sự ra đời của dự án trồng lúa hữu cơ ở xã Mỹ Lộc (Tam Bình).
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lộc Võ Ngọc Liền nói về dự án này mà luôn miệng nhắc về “chú Năm”: “Thương chú Năm lắm, tuổi cao vậy chú còn chạy đầu này, liên hệ đầu kia, rồi về quê chở lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện qua Cần Thơ nhờ GS.TS Võ Tòng Xuân và các thầy khoa nông nghiệp cố vấn cho dự án. Chú còn tổ chức chở nông dân đi tham quan mô hình các nơi. Hồi đầu gian nan hết biết, phải đi vận động từng gia đình, mà đâu dễ để bà con từ bỏ tập quán canh tác cũ”.
Nhưng giờ đây thì bà con phấn khởi lắm, môi trường đồng ruộng đã “lành tính” bớt hẳn việc ô nhiễm các hóa chất độc hại. Chú Dương Văn Thành (xã Mỹ Lộc) nhắc lại: “Thời cha mẹ tui trồng lúa mùa, lúc đó cá tép, tôm nó lên ruộng đẻ nhiều dữ lắm. Rồi sau quá trình chuyển đổi 1 năm làm 2- 3 vụ thần nông, do có sử dụng phân thuốc hóa chất nên loại thủy sản tưởng như vô hạn đó càng giảm mạnh”.
Đã 6 mùa lúa, những người nông dân ở Ấp 9 và Ấp 11 của xã Mỹ Lộc trồng lúa không sử dụng, lạm dụng phân thuốc hóa học. Từ khoảng 30 hộ vào đầu năm 2016, đến nay có hơn 100 hộ gia nhập Hợp tác xã (HTX)Tân Tiến để canh tác lúa hữu cơ, nói không với chất hóa học độc hại.
Ông Nguyễn Hữu Phước (xã Mỹ Lộc) trăn trở: “Lúc đầu trồng lúa từ phân vô cơ sang hữu cơ cũng rất khó khăn. Nếu cây lúa có bệnh thì xịt thuốc liền, cây lúa chưa tốt thì rải phân tiếp tục để phát triển. Còn qua sản xuất hữu cơ thì cây lúa phát triển rất chậm, độ màu mỡ xanh tốt của nó kém hơn và năng suất thấp hơn từ 1,5- 2 tấn/ha nên bà con mình lo, không biết trồng hữu cơ có ăn hông?”
Theo ông Dương Văn Thành: “Trước đây nông dân tụi tui sản xuất phân vô cơ nên ruộng đồng hấp thụ phân thuốc hóa học quá nhiều. Chính nhờ bác Năm Nghị ở Sài Gòn về giúp cho nông dân Ấp 9 sản xuất lúa hữu cơ. Nhờ đó đã cải tạo được môi trường đất, nước; sức khỏe nông dân được tốt hơn. Ngoài ra, còn tạo được chuỗi liên kết giữa sản xuất liên kết và tiêu thụ hàng hóa cho bà con”.
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lộc hồ hởi khoe: “Siêu thị Sài Gòn Co.opmart đặt hàng số lượng lớn, nên dự án có thể mở rộng lên hàng ngàn hecta lúa hữu cơ trong tương lai”. Với năng lực và tài nguyên đất đai đồng bằng, cần xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ có tầm nhìn ra thế giới và đương nhiên không thể để nông dân “tự bơi” ra biển lớn bằng những… mái dầm và chiếc xuồng ba lá.
Quyết sách mạnh mẽ cho đồng bằng
Theo TS. Nguyễn Văn Kiền- nhà khoa học ĐH Quốc gia Australia và Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông thôn (ĐH An Giang): “Kinh nghiệm của các nước Australia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy khi chuyển đổi sang hữu cơ từ nền nông nghiệp hóa chất, thì chủ đầu tư hoặc nông dân cần mất 3- 5 năm để chuyển đổi, năng suất cây trồng càng về sau càng cải thiện, chi phí giảm dần và lợi nhuận tăng, ổn định. Đặc biệt, các nông dân Australia khi chuyển đổi sang hữu cơ sau 15 năm, họ cho rằng lợi tức rất ổn định vì giá bán của sản phẩm rất ổn định, trong khi giá nông sản sử dụng phân thuốc hóa học thì lại biến động rất lớn”.
Đó là kết quả khảo sát của TS. Nguyễn Văn Kiền tại Australia vào tháng 6/2018 qua phỏng vấn nông dân trồng rau hữu cơ (300ha), nông dân nuôi bò sữa hữu cơ (100ha- 200 con bò), nông dân trồng rau hữu cơ (20ha).
Đối với nông dân đồng bằng đa phần đời sống khó khăn, với thời gian 3- 5 năm “rửa sạch” đất và chịu năng suất thấp coi như bắt họ “treo nồi cơm” rồi. Đây là lúc Chính phủ cần thành lập quỹ Bảo hiểm nông nghiệp, nhằm hỗ trợ nông dân vượt khó cùng với những rủi ro do thiên tai bất khả kháng.
Một nguồn quỹ đủ mạnh nếu muốn đưa nông nghiệp đồng bằng đi vào con đường hữu cơ hiệu quả. Và để có đủ tư cách pháp nhân tiếp cận các nguồn đầu tư, quỹ hỗ trợ lớn từ nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp thì nông dân không thể làm ăn riêng lẻ, tự thân. Hình thức HTX là cần thiết và phù hợp cho công tác quy hoạch.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón (thứ 2 từ trái sang) và ông Phạm Chánh Trực- nguyên Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (thứ 3 từ trái sang), thăm ruộng lúa hữu cơ ở xã Mỹ Lộc (Tam Bình- Vĩnh Long). |
Nhìn sâu hơn vào nguyên nhân yếu kém của nông nghiệp đồng bằng, đối với các HTX, ông Phạm Chánh Trực đề nghị: Chính phủ tập trung trong một thời gian nhất định, khoảng 5- 7 năm, xây dựng kết cấu hạ tầng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bắt đầu từ các HTX và các nơi đã tổ chức lại sản xuất bằng hình thức thích hợp, bao gồm thủy lợi, giao thông đồng ruộng, cơ sở bảo quản tồn trữ, trang bị dụng cụ, thiết bị phát hiện, kiểm tra, kiểm nghiệm giống cây trồng vật nuôi, thổ nhưỡng, nước, sâu bệnh.
Đồng thời, Chính phủ có chính sách tài trợ một phần và cho vay dài hạn với lãi suất khuyến khích để giúp HTX xây dựng cơ sở xay xát, chế biến, đông lạnh, đóng gói bao bì, phương tiện vận tải. Biện pháp kinh tế có ý nghĩa quyết định trực tiếp công cuộc cơ cấu lại nền nông nghiệp sạch, bền vững.
Bên cạnh đó, đào tạo những “hạt nhân hữu cơ” là vô cùng cần thiết. Nhiều năm qua, thông qua Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông thôn (ĐH An Giang), TS. Nguyễn Văn Kiền đã tổ chức cho nhiều “nông dân du học” tại Australia và Nhật Bản, cùng với các sinh viên khoa nông nghiệp trở về gầy dựng phong trào hữu cơ hiệu quả.
Cánh đồng lúa hữu cơ ST của Sóc Trăng. |
Trong năm 2019, thành viên của các trang trại Tâm Việt, trang trại lúa mùa Tư Việt… sẽ có chuyến “du học” 9 tháng tại Nhật Bản, họ sẽ được trực tiếp làm việc với nông dân, các trang trại hữu cơ ở Nhật; đồng thời một số thành viên trong nhóm hữu cơ ĐBSCL sẽ có chuyến tham quan, học tập ngắn ngày tại Australia.
Sắp tới đây, là việc ra đời của Viện Nghiên cứu hữu cơ ĐBSCL do TS. Nguyễn Văn Kiền sáng lập, hy vọng sẽ đóng góp nhiều hơn cho nền nông nghiệp hữu cơ đồng bằng.
Trước mắt, sẽ là dự kiến cho công trình nghiên cứu khoa học mối liên hệ giữa bệnh tật và thói quen sử dụng hóa chất trên ruộng đồng, mà theo TS. Nguyễn Văn Kiền sẽ có sự tham gia của vợ chồng GS.BS Huỳnh Ngọc Hải- Giám đốc cao cấp của Bộ Y tế Australia- và GS.BS Trương Hoàng Mai- đang giảng dạy tại Australia phối hợp với ngành y tế tỉnh Vĩnh Long. Cụ thể nghiên cứu quá trình chuyển biến trước và sau thời gian chuyển qua sản xuất lúa hữu cơ ở xã Mỹ Lộc.
Đây sẽ là luận chứng khoa học thuyết phục, như một tiếng chuông cảnh tỉnh góp phần đánh thức mọi người quay trở về với lối làm ăn thuận thiên, hài hòa với thiên nhiên, xây dựng nền nông nghiệp “lương thiện”, lành tính giúp cho “đất khỏe, cây khỏe, người khỏe”- theo cách nói nôm na của TS. Nguyễn Văn Kiền về nền nông nghiệp hữu cơ.
Chúng ta cần một cuộc cách mạng trên đồng ruộng, thay đổi từ trong tư duy, suy nghĩ cộng đồng và những quyết sách mạnh mẽ từ Chính phủ, giúp nông dân giàu lên từ chính mảnh ruộng của mình mà bảo tồn được hệ sinh thái thiên nhiên. Hơn thế nữa là vì sức khỏe của cả cộng đồng xã hội và tránh nguy cơ suy giảm chất lượng giống nòi vì thực phẩm và môi trường ô nhiễm nặng nề.
Vụ lúa Đông Xuân năm 2018 vừa qua, HTX Tân Tiến thu hoạch năng suất bình quân 6,1 tấn lúa/ha, lợi nhuận đạt 2,8 triệu đồng/công, cao hơn những vụ trước. Song, kết quả mong đợi nhất của bà con trên hành trình sản xuất sạch chính là gạo hữu cơ không phân hóa học, không chất bảo quản, không chất tạo mùi, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, gạo không pha trộn, dễ dàng truy xuất nguồn gốc của HTX Tân Tiến (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) đã đường hoàng nằm trên kệ của Siêu thị Sài Gòn Co.opmart. |
Bài, ảnh: NHÓM PV/baovinhlong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn