Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2018 có giao các Bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh mở rộng thị trường gắn với đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Nghị quyết Chính phủ yêu cầu việc bảo đảm cân đối xuất nhập khẩu, phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu từ 8% - 10% so với năm 2017, kiểm soát nhập siêu dưới 3% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhiều lợi thế
Nhận định về nhiệm vụ đẩy mạnh xuất khẩu theo tinh thần của Nghị quyết 01 của Chính phủ, nhiều chuyên gia cho rằng, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2018 sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng tích cực. Lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế của tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào khoảng 3,6% trong năm 2018 theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018 còn có được động lực từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã và đang tiếp tục đàm phán, ký kết. Nhất là khi cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng hóa.
Đặc biệt, với việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, phát triển kinh tế tư nhân, môi trường kinh tế ổn định, hành lang pháp lý thông thoáng sẽ là động lực rất lớn trong việc phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm có thế mạnh của khối doanh nghiệp FDI.
Theo chuyên gia, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ngành rau quả, chế biến lương thực thực phẩm nhiệt đới là thế mạnh của Việt Nam, là dấu hiệu thể hiện được lợi thế cạnh tranh. Với việc xuất khẩu được hàng nông sản đạt kim ngạch như năm vừa qua sang các thị trường khó tính, điều đó đã chứng tỏ Việt Nam có những tiến bộ mới trong tổ chức sản xuất thực phẩm sạch, an toàn, đáp ứng chuẩn mực của nhiều thị trường nên coi đây là thành quả tích cực cần được nâng lên.
Cũng theo TS. Nguyễn Đình Cung, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam với nhiều ngành hàng đang kỳ vọng tác động tích cực của các Hiệp định FTA. Trong đó, điểm có thể kỳ vọng nhiều hơn chính là các luồng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Tập trung sản phẩm chủ lực
Với việc lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt con số trên 400 tỷ USD và xuất siêu 2,7 tỷ USD trong năm 2017, các chuyên gia cũng dự báo, nhiều khả năng cơ cấu sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong năm 2018 sẽ không có nhiều biến động so với năm 2017 với các nhóm hàng xuất khẩu chính như máy tính, linh kiện điện tử; điện thoại, linh kiện điện thoại cũng như nhóm hàng nông, lâm, thủy sản và dệt may, da giày…
Nhận định của TS. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, do thời gian qua kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam chủ yếu vẫn nghiêng về khối doanh nghiệp FDI, nên kim ngạch xuất khẩu năm 2018 có thể tăng nhưng rất khó tạo ra sự đột phá.
“Một trong những điểm cần giải quyết trong năm 2018 và tương lai xa hơn là dần nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa”, TS. Phạm Tất Thắng mong muốn và hy vọng trong năm 2018, Chính phủ sẽ có những cải cách mạnh mẽ hơn trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa.
Ông Phạm Hưng, Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, về cơ bản tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018 có nhiều yếu tố thuận lợi, song cũng còn không ít khó khăn.
Cụ thể là nhóm hàng nông, lâm, thủy sản sẽ gặp phải những vấn đề về kiểm soát chất lượng từ các thị trường nhập khẩu. Ngành hàng như dệt may, da giày vốn có lợi thế là nguồn nhân công giá rẻ sẽ dần mất đi, khi nhiều quốc gia áp dụng công nghệ tự động hóa trong xu thế Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.
“Quốc hội và Chính phủ đặt ra con số tăng trưởng xuất khẩu năm 2018 khoảng 8% - 10% là sự thể hiện thái độ thận trọng, không chủ quan. Trong điều kiện hiện tại, mục tiêu đặt ra như vậy hoàn toàn khả thi. Với mục tiêu tăng trưởng trong năm 2018, dự kiến tổng giá trị xuất khẩu đạt được sẽ dao động trong khoảng 227 - 229 tỷ USD”, ông Hưng ước tính và cũng đưa ra dự báo, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong năm 2018 cũng sẽ ít biến động so với năm 2017.
Với cơ cấu sản phẩm xuất khẩu hiện tại, các chuyên gia thống nhất quan điểm, Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực. Tuy nhiên, về lâu dài, để phát triển thực sự bền vững hơn, cơ cấu này cần từng bước chuyển dịch, thay đổi theo hướng trông vào các sản phẩm công nghiệp./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn