>> Bài 1: Chuyển biến và trăn trở...
Đưa trí thức trẻ về cơ sở
Phó trưởng phòng Tổ chức Đảng - đảng viên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Quang Phú cho biết: Một nội dung quan trọng của Nghị quyết 09-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy về “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn” là xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở. Chính vì vậy, công tác đào tạo cán bộ trẻ, nhất là sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy các trường đại học, cao đẳng đáp ứng yêu cầu thực tế được tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã chú trọng. Từ năm 2011-2013, tỉnh và 100% huyện, thành phố, thị xã đã thu hút, ưu tiên 803 trí thức trẻ (8 thạc sĩ, 715 đại học, 80 cao đẳng) về công tác tại xã, phường, thị trấn. Trong đó, huyện Hương Sơn có số lượng đông nhất với 110 người; Vũ Quang ít nhất với 33 người. Trí thức trẻ về cơ sở được bố trí vào các vị trí công chức: văn phòng - thống kê; địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường; văn hóa - xã hội...
Người dân đến giao dịch tại Trung tâm "một cửa” xã Đồng Lộc (Can Lộc) |
Theo phản ánh của Trưởng phòng Nội vụ huyện Hương Sơn - Đoàn Ngọc Phùng và lãnh đạo nhiều huyện, thành phố, thị xã: việc đưa trí thức trẻ về cơ sở là một chủ trương đúng, kịp thời bổ sung vào đội ngũ CBCC cấp xã, đáp ứng yêu cầu thực tế; đặc biệt, khi các địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Đó cũng là giải pháp đào tạo cán bộ cơ sở theo hướng chính quy, hệ thống, bảo đảm người cán bộ vừa có sức khỏe, trình độ chuyên môn, năng lực công tác. Thế mạnh của đội ngũ trí thức trẻ là được đào tạo bài bản, trình độ chuyên môn khá, khả năng tin học vững vàng nên nắm bắt công việc nhanh, giúp lãnh đạo xử lý thông tin kịp thời, chính xác; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Xã Đức Liên (Vũ Quang) có 3 trí thức trẻ về công tác tại địa phương. Vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, họ nắm bắt công việc nhanh, tham mưu giúp cán bộ lãnh đạo xã xử lý kịp thời những đòi hỏi của thực tế. Trong đó, kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Đình Chuyên, phụ trách lĩnh vực địa chính - nông nghiệp - NTM giữ vai trò đắc lực, giúp BCĐ xây dựng NTM của xã đưa ra nhiều giải pháp phù hợp, nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình này. Xã Xuân Lĩnh (Nghi Xuân) cũng có 4 cử nhân về làm việc ở các lĩnh vực: LĐ-TB&XH; nông nghiệp - môi trường - NTM... Sau 3 năm tích cực làm việc, gắn bó với phong trào, cả 4 người đều vinh dự được kết nạp Đảng, được cán bộ và nhân dân địa phương ghi nhận. Cử nhân Phan Thị Thúy Hợi được phân công công tác ở xã Đức Lạc (Đức Thọ), cô đã cố gắng vươn lên và trưởng thành về mọi mặt; vừa làm, vừa học và đã tốt nghiệp cao học. Sự nỗ lực của Phan Thị Thúy Hợi được Đảng bộ và nhân dân xã Đức Lạc đánh giá cao.
Tháng 6/2014, cô được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐND xã nhiệm kỳ 2011-2016. Phần lớn các trí thức trẻ khi về cơ sở đều tích cực làm việc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của các địa phương. Theo đánh giá của các huyện, thành phố, thị xã, số trí thức trẻ về cơ sở phát huy tốt chiếm tỷ lệ hơn 95,2%. Số còn hạn chế chiếm tỷ lệ nhỏ, đó là những người mới chỉ có kiến thức sách vở, thiếu kỹ năng sống, kỹ năng làm việc; một số khác “sáng vác ô đi, tối vác ô về”, chưa thật sự gắn bó với nhân dân. Mặc dù vậy, xét về tổng thể, khi đưa trí thức trẻ về cơ sở, ưu điểm vẫn vượt trội. “Người dân nhiều địa phương cho rằng, giá như cấp trên cho đội ngũ trí thức trẻ về cơ sở sớm hơn thì tình hình các mặt sẽ tốt hơn nhiều”, Phó trưởng phòng Nội vụ huyện Can Lộc - Phan Đại Nghĩa cho biết.
Quy hoạch, đào tạo... đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn với vận mệnh của Đảng, đất nước. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Anh - Nguyễn Văn Danh cho rằng, đứng trước nhiệm vụ chính trị ngày càng lớn, hơn lúc nào hết, vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở vô cùng quan trọng. Muốn có đội ngũ cán bộ tốt thì trước hết phải có quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện qua thực tiễn. Vì vậy, tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã cần quan tâm quy hoạch, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ cấp xã và dự báo có căn cứ xu hướng biến động của từng địa phương để có kế hoạch đào tạo, sử dụng, quản lý tốt đội ngũ này trong thời gian tới.
Cán bộ xã Xuân Mỹ (Nghi Xuân) thường xuyên bám đồng để kịp thời chỉ đạo nhân dân chăm sóc, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ. |
Tiếp tục đổi mới, bổ sung, hoàn thiện giáo trình, tài liệu đào tạo cán bộ cơ sở sát với chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng. Kết hợp giữa đào tạo chính quy với bồi dưỡng tại chức; giữa nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ với xây dựng bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong cho cán bộ cơ sở. Thực hiện chủ trương hàng năm, CBCC cấp xã phải được bồi dưỡng tập trung để cập nhật kiến thức, kinh nghiệm tại trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện hoặc Trường Chính trị Trần Phú. Tùy theo yêu cầu cụ thể của từng địa phương, trình độ, năng lực của đội ngũ CBCC và yêu cầu cụ thể của từng vị trí công tác, chức danh đảm nhận để chọn nội dung bồi dưỡng phù hợp.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nghi Xuân - Trần Trọng Hồng, Trưởng phòng Nội vụ huyện Vũ Quang - Nguyễn Quang Điền thì tỉnh và các địa phương cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách khuyến khích việc chủ động học tập của CBCC theo hướng đạt chuẩn. Kiên quyết thực hiện nghiêm túc việc tiêu chuẩn hóa cán bộ xã về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và các kiến thức bổ trợ trong việc bố trí, bổ nhiệm CBCC cấp xã; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy có chuyên môn phù hợp về công tác tại xã, phường, thị trấn, đi kèm là các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ. Thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ huyện về công tác tại cơ sở; điều động, luân chuyển cán bộ giữa các địa phương. Định kỳ kiểm tra, đánh giá và sơ, tổng kết việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ cấp xã, để có biện pháp bổ sung, hoàn chỉnh, kịp thời nâng cao chất lượng. Tạo dựng môi trường công tác lành mạnh để mỗi cán bộ rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành, đảm bảo “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước.
Tuấn Hiển
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn