Thực hiện chương trình MTGQ xây dựng NTM cấp ủy, chính quyền huyện Cẩm Xuyên đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình kinh tế mới cho thu nhập cao. Trong đó nghề sản xuất nấm sò sau hai tháng triển khai trên địa bàn đã đưa lại hiệu quả kinh tế bước đầu cho các hộ dân nhưng điều khó khăn hiện nay chính là đầu ra cho sản phẩm.
Nấm sò là loại giống mới được đưa vào khảo nghiệm trên địa bàn nhưng do nắm vững quy trình chăm sóc sau hai tháng mô hình nấm của chị Hoàng Thị Hạnh xã Cẩm Huy phát triển tốt và cho năng suất khá cao. Với 1500 bịch nấm sò giống trung bình mỗi ngày chị thu hoạch trên 20 kg nấm tươi. Hiện nay trên thị trường mỗi kg nấm sò tươi có giá từ 25 - 30 ngàn đồng. Trồng nấm đưa lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều chị em hội viên đã đến học tập trao đổi kinh nghiệm. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất hiện nay chính là đầu ra cho sản phẩm. Vì nấm thu hoạch mỗi ngày ra đến đâu hái đến đó và phải được bán ngay không bản quản tươi được lâu trong khi trên địa bàn huyện không có điểm để nhập, thu gom chế biến nấm nên chị rất tốn kém trong thuê nhân công đi chợ bán nên lời lãi không được là bao. Chị hoàng Thị Hạnh, Chủ tịch Hội nông dân xã Cẩm Huy cho biết thêm: Xây dựng mô hình sản xuất nấm sò gia đình tôi được hỗ trợ hoàn toàn về giống, được tập huấn kỷ thuật và hỗ trợ về một phần xây dựng công trình nên rất phấn khởi. Sản xuất nấm có nhiều thuận lợi tuy nhiên vấn đề đầu ra cho sản phẩm nấm hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Thị trường tiêu thụ nhỏ hẹp. Thời gian tới mong muốn các ban ngành liên quan cần có các giải pháp hỗ trợ nông dân trong tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh huyện Cẩm Xuyên 10 mô hình xây dựng thí điểm sản xuất nấm tại địa bàn của 9 xã, thị trấn. Theo kế hoạch huyện đưa vào sản xuất 80 nghìn bịch nấm sò. Mặc dù đây là vụ nấm trái mùa nhưng qua qúa trình khảo nghiệm tại các mô hình thấy nấm phát triển tốt cho năng suất đạt khá cao bằng 60-70 % nấm chính vụ. Hiện nay, trung bình trên địa bàn huyện mỗi ngày sản xuất được 3-4 tạ nấm. Nấm cho năng suất khá cao nhưng thị trường tiêu thụ khó khăn. Nguồn nấm sản xuất được các hộ tiêu thụ chủ yếu bằng hình thức bán lẻ ở các chợ, trong khi người tiêu dùng chưa quen dùng loại nấm sò nên mất nhiêu thời gian nhân công lao động và không mang tính bền vững. Đặc biệt khi nấm ở giai đoạn chính vụ cho năng suất đạt cao và khi mô hình nấm được nhân rộng nhiều trên địa bàn thì thị trường đầu ra mới là nhân tố cần quan tâm bước đầu. Ông Lê Văn Danh, giám đốc trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho biết: Qua khảo nghiệm một số mô hình trên địa bàn của 9 xã, thị trấn gồm: Cẩm Huy, Cẩm Thăng, Cẩm Yên, Cẩm Nam, Thị Trấn Thiên Cầm,Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Vinh, Cẩm lạc thấy nấm thích hợp với nguồn nước và điều kiện tự nhiên, cho năng suất khá cao. Từ thành công của những mô hình này chúng tôi sẽ triển khai và nhân rộng sản xuất nấm trên địa bàn huyện. Còn vấn đề đầu ra cho sản phẩm nấm nghành chức năng sẽ tham mưu cho địa phương sẽ có những giải pháp thích hợp cùng nông dân tháo gỡ khó khăn.
Hiệu quả kinh tế từ trồng nấm thì đã rõ nhưng để nghề làm nấm trở thành một nghề mới mang tính bền vững thì bài toán đặt ra cho cấp ủy chính quyền địa phương, các ban ngành chức năng cũng như người sản xuất nấm chính là đầu ra ổn định cho sản phẩm. Vì vậy hơn lúc nào hết các ngành các cấp cần tìm ra các giải pháp có tính chiến lược trong phát triển nghề nấm để nông dân yên tâm gắn bó với nghề sản xuât nấm.
.
Hoài Thương
(Đài Cẩm Xuyên )