Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi, hiện nay các dự án cải tiến nâng cao chất lượng giống bò Việt Nam đã kết thúc, dự án giai đoạn mới chưa được phê duyệt nên công tác cải tạo đàn bò bằng TTNT trên cả nước bị ảnh hưởng, giảm sút nhiều. Chính vì vậy, TTNT tiến bộ chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. “Hiện nay tỷ lệ TTNT cho đàn bò cái chỉ đạt 21%, trên đàn lợn cũng chỉ đạt 35,1%”- ông Dương cho biết.
Chăm sóc cho bò đực giống ở Trung tâm Sản xuất tinh đông lạnh Moncada (Ba Vì, Hà Nội).
Thực tế, TTNT trên đàn bò của nước ta bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhưng đến thời điểm hiện tại hàng năm số bò cái được phối giống bằng TTNT rất thấp. Ông Lê Văn Thông - Giám đốc Trung tâm Gia súc lớn T.Ư cho biết, mỗi năm trung tâm có thể sản xuất được 1 triệu liều tinh bò đông lạnh nhưng nhu cầu trong nước chỉ mới đạt 500.000 liều.
Theo phản ánh của nhiều địa phương, hiện nay công tác TTNT trên đàn gia súc đang gặp phải không ít khó khăn và thách thức. Ông Trần Văn Khẩn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cao Bằng cho biết, 20 năm gần đây công tác TTNT cho đàn gia súc không được đầu tư về cơ sở vật chất, giống cũng như đào tạo đội ngũ dẫn tinh viên. Cả tỉnh hiện chỉ có 2 đơn vị giống. Nguyên nhân sâu xa, theo ông Khẩn là do tập quán chăn nuôi thả rông và không thiến được bò đực xấu. Mặc dù Cao Bằng đã có chính sách hỗ trợ gần 200.000 đồng nếu hộ gia đình mang bò đực xấu đi thiến, nhưng người dân không mặn mà vì thương lái ép giá hàng triệu đồng/con khi mua bò thiến.
Cú hích cải thiện giống Theo ông Trần Ngọc Miên - Chủ tịch HĐQT Công ty Giống chăn nuôi Thái Bình, đến nay công tác TTNT cho gia súc chưa có bất kỳ chính sách hỗ trợ nào. Vì thế, theo ông, cần thiết đến lúc phải có hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng tinh (tức là người có con gia súc nái) để có thể giúp người chăn nuôi có thêm động lực và điều kiện cải thiện đàn gia súc.
Hiện Cục Chăn nuôi đang soạn thảo 2 đề án: Đề án phát triển hệ thống TTNT bò đến năm 2020 với mục tiêu tăng tỷ lệ TTNT cho đàn bò thịt lên 80%; và đề án phát triển hệ thống TTNT lợn đến năm 2020 với mục tiêu tăng tỷ lệ đàn lợn nái được TTNT lên trên 60%. |
Ông Hoàng Kim Giao - nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, đã đến lúc công tác TTNT phải làm theo hướng dịch vụ, tuy vậy cũng vẫn cần có những chính sách hỗ trợ hợp lý theo vùng miền. Theo ông Giao, thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác TTNT trên đàn gia súc sẽ có thể sớm tạo ra cú hích để cải thiện, nâng cao chất lượng giống góp phần vào tái cơ cấu ngành chăn nuôi nói riêng và toàn ngành nông nghiệp nói chung.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho rằng, công tác giống gia súc còn nhiều bất cập, trong khi đó người chăn nuôi nhất là chăn nuôi nông hộ đang rất cần có giống tốt và TTNT là một trong những điều kiện quan trọng góp phần vào cải thiện chất lượng đàn giống. Do đó, chúng ta cần ban hành điều kiện cơ sở sản xuất giống, xây dựng cơ chế kiểm tra, đánh giá chất lượng giống, tinh...