Nguyên nhân của thực trạng trên có nhiều, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng: Do nhu cầu của thị trường giảm, giá xuống thấp trong khi giá đầu vào tăng cao.
Ông Mai Văn Ninh, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá nhận xét: Do bà con mình canh tác, sản xuất theo kinh nghiệm là chính, hàm lượng khoa học kỹ thuật trong giá trị sản xuất chưa cao.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, những nghiên cứu ứng dụng công nghệ của ta chưa theo kịp sự phát triển kinh tế cũng như nhu cầu của thị trường; công nghệ bảo quản, chế biến của ta chưa theo kịp năng lực sản xuất của nông dân.
Còn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát nhận định: Là do những năm qua chúng ta chú trọng vào số lượng hơn chất lượng; do vốn đầu tư của xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp giảm từ 13,8% năm 2000 xuống còn 6% vào năm 2012...
Thực ra, những mảng tối trong bức tranh nông nghiệp, nông thôn đã được nhiều chuyên gia, nhà quản lý chỉ ra từ lâu nhưng khi đó thị trường xuất khẩu mở rộng nên việc điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như kinh tế - xã hội nông thôn chưa được chú trọng. Và bản thân người nông dân khi đó sản xuất vẫn có lãi nên nhiều người không tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về quy hoạch cũng như quy trình sản xuất sạch, an toàn.
Tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XIII và kỳ họp tháng 6 của Chính phủ, vấn đề thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp được xác định là "mặt trận nóng" cần tập trung giải quyết. Nhiều giải pháp đã được đề cập.
Theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đặt ra là, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đưa ra mô hình 1 giảm, 2 tăng, 3 hỗ trợ. Cụ thể là giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm và sản lượng theo nhu cầu thị trường, thực hiện hỗ trợ vốn, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Thực hiện đề án, Bộ sẽ tập trung vào những ngành cho giá trị kinh tế cao, có lợi thế, điều chỉnh chính sách đầu tư, có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư vào nông nghiệp, điều chỉnh chuỗi sản xuất để đảm bảo lợi ích cho nông dân.
Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng, GDP nông nghiệp của ta đang loanh quanh con số 20 tỷ USD, mục tiêu là 100 tỷ USD. Muốn có con số đó phải dựa vào khoa học công nghệ mà khâu chế biến để hoàn thành chuỗi giá trị cho sản xuất nông nghiệp là mấu chốt.
Thực tế cho thấy, để có thể tạo chuyển biến nhanh nhưng bền vững, cả bốn nhà (Nhà nước - nông dân - doanh nghiệp - nhà khoa học) đều phải nâng cao trách nhiệm của mình. Chỉ một nhà chưa tròn trách nhiệm thì mọi nỗ lực của các nhà khác không còn giá trị.
Đường lối, chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch, giải pháp đều đã có, vấn đề là hành động. Lâu nay độ trễ chính sách của ta hơi dài. Thu hẹp thời gian trễ, chúng ta sẽ thành công.
Hiền Anh
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn