TS Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Nguyễn Đức Vinh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Giang, ông Dinh Chí Thành – Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn đồng chủ trì Diễn đàn.
Diễn đàn có sự tham dự của 255 đại biểu gồm các nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ khuyến nông và nông dân đến từ 7 tỉnh phía Bắc (Tuyên Quang, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang) cùng một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và các cơ quan báo đài trung ương, địa phương.
Chăn nuôi ong hiện nay đang là đối tượng được ưu tiên trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Theo số liệu báo cáo của Cục Chăn nuôi, ước tính hiện nay nước ta có khoảng gần 1,2 triệu đàn ong gồm các giống ong Ý và ong nội, trong đó số đàn ong nội chiếm 16,6%, ong ngoại chiếm 83,3%, tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc (khoảng 343 nghìn đàn) và Tây Nguyên (khoảng 357 ngàn đàn). Tổng sản lượng mật ong năm 2016 đạt 47 nghìn tấn. Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện đang đứng thứ 6 thế giới và thứ 2 châu Á về xuất khẩu mật ong với 90% sản lượng mật ong hàng năm của Việt Nam được xuất khẩu. Trong đó xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ 90-95%. Việt Nam là quốc gia có sản lượng mật ong xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Hoa Kỳ. Còn lại 5-10% xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.
Tại Hà Giang, nghề nuôi ong nội lấy mật chủ yếu tập trung ở 4 huyện vùng cao núi đá (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc) với trên 25 nghìn đàn, tổng sản lượng 4,5 tấn mật/năm. Từ năm 2013, khi thương hiệu mật ong bạc hà được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc”, sản lượng và giá trị được nâng lên rõ rệt, giá mật ong tăng lên gấp đôi (500.000 đồng/lít). Ngày 24/10/2016 Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định về việc ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho sản phẩm mật ong bạc hà tỉnh Hà Giang. Hiện nay đã có 8 hợp tác xã và doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý và tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm mật ong bạc hà đã khẳng định được vị thế vững chắc đối với người tiêu dùng, nghề nuôi ong đã trở thành định hướng sản xuất hàng hóa của vùng giúp xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân.
TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định, mặc dù ngành ong mật Việt Nam đã có những thành công nhất định nhưng vẫn còn một số hạn chế. Đó là: Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tính bền vững chưa cao, năng suất và chất lượng sản phẩm chưa ổn định, tính cạnh tranh chưa cao; Sự liên kết giữa các hộ nuôi ong và khai thác mật còn lỏng lẻo; Mật độ nuôi ong tại một số địa phương chưa hợp lý; Khoảng cách các trại nuôi đặt quá dày dẫn đến tình trạng khai thác thiếu bền vững, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế nghề nuôi ong; Công tác nghiên cứu khoa học về giống ong còn hạn chế; Có nơi, người nuôi ong thường tự tạo ong chúa để thay thế cho những ong chúa già; Nhiều đơn vị còn mua giống trôi nổi không rõ nguồn gốc, gây pha tạp, tỷ lệ cận huyết cao; Kỹ thuật sản xuất và duy trì tính bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm còn hạn chế; Quy trình kiểm soát chất lượng, quy trình khai thác, chế biến, bảo quản chưa chặt chẽ đã làm giảm chất lượng sản phẩm mật ong. Đây cũng chính là lý do để tổ chức Diễn đàn “Giải pháp phát triển nuôi ong mật bền vững đảm bảo an toàn thực phẩm”.
Tại Diễn đàn, Ban chủ tọa cùng với các chuyên gia tư vấn đã giải đáp được 47 câu hỏi, chiếm tỉ lệ 67,2% tổng số câu hỏi đặt ra tại Diễn đàn. Nội dung những câu hỏi của người dân tập trung vào các vấn đề: Định hướng phát triển nuôi ong và các chính sách hỗ trợ; Kỹ thuật nuôi ong, tạo chúa, nhân đàn và tách đàn; Các biện pháp phòng trừ dịch bệnh cho đàn ong; Quy định về sản xuất ong an toàn VietGAHP, yêu cầu tiêu chuẩn mật ong nhập khẩu vào các nước Châu Âu, Mỹ…; Chỉ dẫn địa lý, liên kết sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm…
Báo cáo kết quả chuyển giao khoa học công nghệ khuyến nông về nuôi ong, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chủ trì thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền trung Tây Nguyên”. Theo dõi kết quả thực hiện đến tháng 6/2017, năng suất bình quân trên đàn ong nội đạt 21,33 kg/đàn, trên đàn ong ngoại đạt 41,2 kg/đàn, vượt yêu cầu so với chỉ tiêu đề ra. Một số đơn vị đánh giá lượng mật khai thác từ các đàn ong trong mô hình cao hơn từ 10 - 15% so với đàn ong cũ tại địa phương. Có được kết quả trên là do các hộ đã biết áp dụng hiệu quả các kỹ thuật nuôi ong, đặt đàn ong nơi có nguồn thức ăn phong phú, nên đàn ong giống phát triển tốt, ít dịch bệnh, đặc biệt là nâng cao kỹ thuật khai thác và duy trì đàn ong ổn định qua các mùa vụ trong năm.
Đại biểu tham gia Diễn đàn cũng đã được thăm quan mô hình nuôi ong lấy mật của ông Vừ Sáu Pó – Thôn Há Bua Đa, xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất ong sau 5 năm tâm huyết với nghề ong, ông Vừ Sáu Pó (thôn Há Bua Đa, xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) nói: “Tháng 4 đến tháng 8 là thời gian tốt nhất để phát triển đàn ong, nhân tạo đàn. Tháng 9 phải kiểm tra các thùng ong để nhập cầu yếu, tách cầu khỏe, duy trì 4 - 5 cầu ong trên thùng để tập trung khai thác mật. Đây là thời điểm có điều kiện tốt nhất trong năm, có nguồn thức ăn dồi dào, khí hậu ấm áp thuận lợi cho việc phát triển đàn ong. Vào mùa đông rét đậm, rét hại từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau phải chủ động che chắn kín gió, vệ sinh thùng ong sạch sẽ, phòng trừ bệnh hại, chăm sóc, nuôi dưỡng, cho ăn bổ sung đúng quy trình. Khi nhiệt độ thấp, kéo dài, chủ động chăm sóc, nuôi dưỡng để đàn ong phát triển ổn định”.
Ông Vừ Sáu Pó cho biết thêm: “Phải chủ động chăm sóc và bảo vệ cây hoa bạc hà vì đây là nguồn mật chủ yếu để ong lấy mật. Do vậy, sau khi kết thúc vụ ngô không chăn thả gia súc, không trồng các loại cây khác, nhổ bỏ cỏ dại để cây bạc hà sinh trưởng phát triển. Hàng năm, gia đình tôi tự nguyện đóng góp một phần kinh phí từ thu nhập mật ong cho quỹ thôn để bảo vệ hoa bạc hà".
Từ kết quả Diễn đàn, kết thúc Diễn đàn, TS. Hạ Thúy Hạnh Phó Giám đốc Trung tâm KNQG đã kết luận một số giải pháp phát triển nuôi ong mật bền vững như sau:
- Cần quy hoạch vùng nuôi ong và bảo tồn rừng, vườn rừng để có nguồn thức ăn tự nhiên cho ong tạo nguồn mật ổn định. Có giải pháp bảo tồn và phát triển nguồn cây bản địa của địa phương.
- Người nuôi ong cần áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật nuôi ong và phòng trừ dịch bệnh, ghi chép để truy xuất nguồn gốc và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm ong theo tiểu chuẩn Việt Nam và xuất khẩu để phát triển nuôi ong mật bền vững.
- Xây dựng chỉ dẫn địa lý, phát triển thương hiệu sản phẩm, để tạo ra các sản phẩm đặc trưng vùng miền. Áp dụng công nghệ chế biến để đa dạng các sản phẩm từ mật ong, từ đó mở rộng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
- Các đơn vị nghiên cứu cần nghiên cứu về giống ong và đưa ra các khuyến cáo về giống ong phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng miền.
- Tuyên truyền vận động nông dân tham gia các hình thức hợp tác liên kết (câu lạc bộ, hội nuôi ong, hợp tác xã,…). Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị mật ong từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến, bao tiêu sản phẩm.
TS cũng đề nghị trung tâm khuyến nông các tỉnh ưu tiên chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người nuôi ong; xây dựng và đề xuất kế hoạch để triển khai đào tạo tập huấn khuyến nông năm 2018, tổ chức các lớp ToT cho người nuôi ong nhằm phát triển, bảo tồn đàn ong nội và nguồn mật tự nhiên; tuyên truyền về các văn bản chính sách, hướng dẫn kỹ thuật thông qua các phương tiện truyền thông như: tờ rơi, sách báo, truyền hình để người nuôi ong dễ dàng tiếp cận, học hỏi.
Theo Nguyễn Sâm/khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn