Nghị định (NĐ) 108/2017/NĐ-CP bãi bỏ 2 thông tư quan trọng hướng dẫn thực hiện NĐ số 202/2013/NĐ-CP (quản lý phân bón theo phân loại vô cơ và hữu cơ) đó là Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13.11.2014 của Bộ NN&PTNT và Thông tư số 29/2014/TT-BCT ngày 30.9.2014 của Bộ Công Thương.
Chính vì sự phức tạp, chồng chéo, nhiều bất cập trong cách quản lý cũ mà NĐ 108 ra đời đã dành thời gian khá dài để các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón và các cơ quan quản lý nhà nước về phân bón có thời gian để cập nhật, thay đổi, chuyển tiếp.
Trong đó, một số nội dung đáng chú ý quy định tại Chương VIII, Điều 47 như: “Phân bón có tên trong thông báo tiếp nhận hợp quy của Sở NN&PTNT hoặc Sở Công Thương được tiếp tục sản xuất, buôn bán và sử dụng trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày NĐ này có hiệu lực thi hành".
Theo đó, trong thời hạn nêu trên, Bộ NN&PTNT sẽ xem xét, ban hành quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam mà không phải thực hiện thủ tục công nhận. Phân bón có tên trong Giấy phép sản xuất phân bón nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy, phân bón hoàn thành khảo nghiệm và nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất phân bón trước ngày NĐ này có hiệu lực thi hành được Bộ xem xét, ban hành Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam mà không phải thực hiện thủ tục công nhận.
Như vậy, đến nay thời hạn 12 tháng kể từ ngày NĐ 108 có hiệu lực thi hành là ngày 20.9.2017 đã hết, các sản phẩm đã được tiếp nhận công bố hợp quy của Sở NN&PTNT hoặc Sở Công Thương mà chưa có trong danh mục các sản phẩm phân bón được Quyết định lưu hành của Bộ NN&PTNT thì coi như không còn hợp lệ.
Các sản phẩm phân bón sau khi được công nhận lưu hành thì tiến hành đánh giá, chứng nhận hợp quy tại các tổ chức chứng nhận được Bộ NN&PTNT chỉ định. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân bón đang tỏ ra lúng túng vì các thủ tục quá nhiêu khê này.
Trong thực tế, hiện có nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận này đã được Bộ NN&PTNT chỉ định theo hướng xã hội hóa, có cả các đơn vị tư nhân tham gia.
Phòng thí nghiệm của công ty CP Chứng nhận và Giám định Saigoncert, một đơn vị ngoài công lập vừa được Bộ NN&PTNT chỉ định là Tổ chức Chứng nhận phân bón ngày 24.9 vừa qua. Ảnh: Saigoncert
Ngoài ra, trong Điều khoản chuyển tiếp của NĐ 108 còn một nội dung đáng chú ý khác đó là việc xử lý đối với các sản phẩm đang khảo nghiệm theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT, đơn vị có sản phẩm phân bón mới có thể tự thực hiện khảo nghiệm hoặc thuê các đơn vị có năng lực thực hiện.
Cụ thể: “Phân bón đang thực hiện khảo nghiệm trước ngày NĐ này có hiệu lực thi hành và có chỉ tiêu chất lượng đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCKTQG) hoặc Phụ lục V ban hành kèm theo NĐ này trong thời gian chưa có QCKTQG thì trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày NĐ này có hiệu lực thi hành được sử dụng kết quả khảo nghiệm để xem xét, công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam”.
Như vậy, tính đến thời điểm này, các sản phẩm phân bón thuộc trường hợp đang khảo nghiệm dở dang như trên sẽ tiếp tục có thêm 12 tháng để được xem xét kết quả, công nhận lưu hành tại Việt Nam
Hoạt động khảo nghiệm phân bón vẫn đang là đề tài nóng, có nhiều ý kiến trái chiều giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Ảnh: Saigoncert
Về việc khảo nghiệm phân bón theo quy định tại NĐ 108, mới đây, khi tham dự một hội thảo về góp ý xây dựng Dự thảo Luật Trồng trọt, khá nhiều đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón đã lên tiếng phản đối việc này.
Điển hình như TS Lê Xuân Đính, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phân bón, Công ty CP Phân bón Miền Nam cho rằng: “Cần phải loại bỏ hoàn toàn khảo nghiệm phân bón, đây là một sự thụt lùi thảm hại của công tác quản lý phân bón, hiện nay trên thế giới không ai còn làm như vậy cả, tại sao thực phẩm, thuốc cho người đang cho công bố chất lượng theo tiêu chuẩn thi phân bón lại phải khảo nghiệm”.
Còn ông Trần Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phân bón Hà Lan, gay gắt hơn: “Tôi phản đối khảo nghiệm phân bón. Vì hiện nay, NĐ 108 ra đời để quản lý phân bón, nảy sinh quá nhiều bất cập, nhiều doanh nghiệp phản đối, tôi ước tính, nếu bắt buộc khảo nghiệm như vậy, số tiền các doanh nghiệp phải bỏ ra khảo nghiệm có thể lên tới 2-3 triệu đô la, con số khủng khiếp, người nông dân sẽ lại là người gánh chịu chi phí này”.
Trước các ý kiến trên, ông Hoàng Trung, Cục Trưởng Cục BVTV cho biết sẽ lắng nghe, xem xét và căn nhắc kỹ lưỡng từ nhiều phía trước khi đưa ra quyết định chính thức.Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn