Những ngày cuối tháng tư, cái nắng đầu hạ gay gắt cộng với những đợt gió lớn vần vũ trên đồi, xô nghiêng cả cây cối càng làm cho vùng cực nam Kỳ Nam thêm khô kiệt. Lọt thỏm giữa núi rừng, nguồn nước sinh hoạt chính của bà con chỉ biết trông chờ giếng khoan. Vào mùa hè, những chiếc giếng này cũng cạn khô, người dân lại dắt díu nhau lên núi gánh nước về dùng. Năm 1999, xã được đầu tư xây dựng công trình cấp nước Động Tranh, tưởng sẽ làm thỏa lòng mong ước của người dân, ai ngờ vừa đi vào hoạt động chưa bao lâu thì rơi vào tình trạng xuống cấp, bục nát. Nguồn lực địa phương eo hẹp, mô hình quản lý không hợp lý, công trình nước sạch này èo uột dần.
Nguồn nước sạch đã về tận hộ dân ở xã Kỳ Nam. |
Ông Nguyễn Đình Vin - Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam cho biết: “Được tỉnh đầu tư hơn 2,8 tỷ đồng (trong đó vốn chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường (NS&VSMT) nông thôn hơn 2,5 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương), công trình đã được sửa chữa lại toàn bộ hệ thống xử lý lắng lọc, tuyến ống nước thô, xử lý rác… Thay vì đưa nước về các bể tập trung như trước, hiện nay, đồng hồ nước đã được lắp đặt tận hộ dân của 3/6 xóm”.
Nhớ lại cảnh “cơm đùm cơm nắm” lên núi tìm nước trước đây, bà Bùi Thị Thái (xóm Minh Tiến) vẫn chưa hết rùng mình: “Ở vùng đất “túi mưa, chảo lửa” này, mùa mưa thì ngập lụt, nắng lại hạn hán, gió lào, nhà nào nhà nấy khoan giếng sâu cả chục mét mà cũng đành chịu, không chắt được nước. Vào mùa hè, chúng tôi phải đi 5-7 km lên núi mới quẩy được nước về. Ba tháng nay, kể từ khi công trình được khôi phục lại, bà con chúng tôi sướng lắm. Nước trong vắt, chảy suốt ngày đêm”.
Trong đợt này, tỉnh đã bỏ ra hơn 15 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMT nông thôn đầu tư, tu sửa 7 công trình cấp nước nông thôn bức thiết nhất. Trong đó, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMT nông thôn gần 12,3 tỷ đồng, hơn 3 tỷ đồng còn lại là nguồn đối ứng của các địa phương. Dựa trên chuyến khảo sát của các chuyên gia, các công trình này được lựa chọn dựa trên các tiêu chí như: nhu cầu sử dụng của người dân, nguồn nước cấp ổn định, hạ tầng công trình cơ bản đáp ứng… Theo đó, công suất cũng tùy thuộc vào quy mô các công trình. Có thể có quy mô lớn như: công trình cấp nước ở các xã: Kim Lộc - Can Lộc (công suất thiết kế 450 m3/ngày đêm); xã Cẩm Nhượng - Cẩm Xuyên (800m3/ngày đêm); xã Thái Yên - Đức Thọ (500m3/ngày đêm). Hay chỉ mang tính cục bộ như ở công trình cấp nước bản Rào Tre (100m3/ngày đêm); xóm Chiến Thắng, xã Vĩnh Lộc - Can Lộc (50m3/ngày đêm)…
Ông Phạm Đức Hướng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc cho biết: “Dù chỉ cung cấp cho một xóm với 250 hộ dân nhưng đây là vùng đất bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật nặng nên nhu cầu nước sạch luôn bức thiết. Chương trình đã hỗ trợ để xã cải tạo, thay thế một số hệ thống chính, vừa mua sắm thêm thiết bị để phục vụ tốt hơn nguồn nước sạch cho bà con”. Hôm chúng tôi đến, hồ nước cấp ở trạm bơm cấp 1 đã đầy nước. Từ đây, nước được bơm đẩy về công trình chính, lợi dụng độ cao nước đổ về hộ dân mà không phải bơm lần thứ 2. Nhờ vậy, giá thành giảm, yếu tố bền vững càng vững chắc hơn.
Ông Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Trung tâm NS&VSMT nông thôn cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là cùng người dân giám sát, thực hiện. Trong quá trình nâng cấp, sửa chữa các công trình này, Trung tâm đã cùng địa phương thành lập tổ giám sát cộng đồng tại vùng hưởng lợi để người dân có thể tham gia dự án. Thậm chí, nhiều công trình chúng tôi đã cho sửa đi sửa lại nhiều lần, bao giờ dân đồng ý mới thôi. Sự phối hợp chặt chẽ giữa giám sát kỹ thuật của cơ quan chuyên môn và giám sát tại cộng đồng đã làm tăng thêm hiệu quả cho các công trình”.
Phía trước chặng đường vẫn còn hàng ngàn người dân ở các địa phương có công trình nước sinh hoạt nhưng không được hưởng lợi. Nguyên do là hệ thống cấp nước bị hư hỏng, nguồn nước mạch bị tắc, công trình kém phát huy hiệu quả. Cuộc chiến giành lấy nguồn nước sạch cho người dân nông thôn chỉ vừa mới bắt đầu.
Nguyễn Oanh
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn