Các thành viên HTX Nuôi ong Đức Lĩnh (Vũ Quang) chưa tiếp cận được “chất xúc tác” từ Nghị quyết 65/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. |
HTX Nuôi ong Đức Lĩnh (Vũ Quang) hiện có 33 thành viên, bình quân mỗi thành viên nuôi từ 18 - 20 đàn ong, cho thu nhập bình quân từ 30 - 34 triệu đồng/hộ/năm, tổng doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm.
Do các thành viên trong HTX chủ yếu người già, người khuyết tật, người nghèo nên việc hưởng chính sách hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết số 65 của HĐND tỉnh rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, HTX chưa thể tiếp cận được chính sách hỗ trợ.
Nguyên nhân được xác định là do huyện chưa giao các phòng chức năng thực hiện, các thành viên HTX chưa được tiếp cận với các nội dung của chính sách và chưa được hướng dẫn làm hồ sơ...
Tương tự, HTX Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hợp Lực (tổ dân phố 5, thị trấn Cẩm Xuyên) hiện có 7 thành viên với số vốn điều lệ gần 10 tỷ đồng, đang nuôi 300 con lợn nái và 2.000 con lợn thịt. Với tổng số vốn đã đầu tư vào trang trại 7 ha là hơn 24 tỷ đồng nên HTX đang mong muốn được tiếp cận với các nguồn hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 65 của HĐND tỉnh, nhưng hiện đang bế tắc.
Ông Phạm Văn Cảnh - Giám đốc HTX Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hợp Lực phản ánh: “Mới đây, huyện đã tiến hành rà soát để thực hiện Nghị quyết số 65 nhưng do tiếp cận muộn nên chúng tôi không đủ thời gian hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục và các điều kiện khác để nhận hỗ trợ. Do đó, ngoài việc đề nghị có hướng dẫn, tuyên truyền sớm hơn các chính sách khác nếu có thì các cấp, ngành cần có hướng tháo gỡ trong thực hiện chính sách này để chúng tôi được hưởng lợi”.
Theo ông Phạm Văn Cảnh, tình hình chăn nuôi của HTX đang gặp nhiều khó khăn, sức huy động vốn của các thành viên trong HTX hạn chế nên nếu nhận được hỗ trợ từ Nghị quyết 165 sẽ rất có ý nghĩa. |
Ông Trịnh Văn Sơn, Phó phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cẩm Xuyên cho biết thêm: “Nghị quyết số 65 ra đời cuối năm 2017, có hiệu lực đầu 2018 nhưng phải đến đầu năm 2019 mới có hướng dẫn thực hiện nên triển khai chậm. Mặt khác, trên địa bàn hiện có 161 HTX nhưng chỉ có 11 đơn vị có liên kết sản xuất với doanh nghiệp và tỷ lệ hoạt động hiệu quả chỉ 18%. Từ thực tế này, huyện đã rà soát, tổng hợp, chuẩn bị trình tỉnh xem xét, quyết định, nhưng nhìn chung số lượng HTX đạt các yêu cầu của Nghị quyết 65 là rất ít”.
Thực tế cũng cho thấy, hiện không có nhiều HTX đáp ứng điều kiện hưởng lợi, nhất là tiêu chí 1 trong 3 năm gần đây đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng.
Ông Trần Quang Đông, Phó phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thạch Hà thông tin: “Hiện nay, huyện Thạch Hà đã tổng hợp và đề nghị tỉnh hỗ trợ các HTX đủ tiêu chuẩn theo soát xét của địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi đang băn khoăn đối với tiêu chí thứ nhất của nghị quyết (có ít nhất 1 năm đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm) vì số lượng ít và Phòng Tài chính - Kế hoạch chỉ có căn cứ vào bản tự khai của HTX nên không kiểm soát được độ chính xác”.
Mặc dù có tổng doanh thu hàng năm trên 1 tỷ đồng nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên các thành viên trong HTX nuôi trồng thủy sản Thạch Sơn (Thạch Hà) chưa được nhận nguồn kinh phí theo tinh thần Nghị quyết 65 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh |
Ông Nguyễn Ngọc Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết: "Nghị quyết số 65 của HĐND tỉnh từng được các HTX đánh giá là “đòn bẩy” để khuyến khích sự tích cực, chủ động, sáng tạo trong sản xuất. Tuy nhiên, hơn một năm ban hành mới có hướng dẫn thực hiện nên việc triển khai gặp khó khăn, tiến độ chậm. Đến nay, các địa phương cơ bản hoàn thành việc rà soát, đánh giá, phân loại và đã tổng hợp nhu cầu đề xuất hỗ trợ, trong đó có 12 HTX đăng ký tham gia xây dựng mô hình HTX kiểu mới, điển hình tiên tiến”.
Cũng theo ông Hùng, Nghị quyết số 65 triển khai chưa đạt yêu cầu còn do việc tuyên truyền nghị quyết chưa kịp thời nên một số HTX thuộc diện có thể được thụ hưởng chưa tiếp cận chính sách, để lỡ cơ hội.
Nghị quyết số 65/2017 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh quy định: 1. Hỗ trợ 100 triệu đồng/HTX dịch vụ nông nghiệp hoạt động đa dịch vụ từ dịch vụ đầu vào đến dịch vụ tiêu thụ nông sản (trong 3 năm trước thời điểm đề nghị hỗ trợ phải có ít nhất 1 năm đạt tổng doanh thu tối thiểu là 1 tỷ đồng/năm; có hợp đồng liên kết để tiêu thụ nông sản ổn định từ 2 năm trở lên). 2. Hỗ trợ 50 triệu đồng/một loại sản phẩm (hỗ trợ 1 lần) cho các hợp tác xã sản xuất sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (sản phẩm được sản xuất tại các cơ sở đảm bảo ATVSTP hoặc được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và có tem truy xuất nguồn gốc bằng điện tử) 3. Hỗ trợ khen thưởng 200 triệu đồng/hợp tác xã đối với những hợp tác xã được công nhận mô hình HTX kiểu mới tiêu biểu, điển hình trên các lĩnh vực và được thực hiện nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh (mỗi huyện lựa chọn đăng ký xây dựng từ 1 - 2 mô hình/năm... |
Theo Phương Thảo/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn