Cuối tuần qua, tại Cần Thơ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, thủy sản vùng ĐBSCL.
Các đại biểu cho rằng, vấn đề cấp thiết hiện nay là liên kết, quy hoạch và tổ chức lại sản xuất mới có thể phát triển bền vững cây lúa đồng bằng.
Lúa tồn kho, ứ đọng
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, 6 tháng qua, xuất khẩu nông- thủy sản, đặc biệt là lúa, gạo tiếp tục duy trì xu hướng giảm sút.
Thống kê đến ngày 27/6/2013, các thương nhân đã mua được trên 200.000 tấn quy gạo tạm trữ theo chỉ đạo của Chính phủ, đạt 21% so với kế hoạch. Tuy nhiên, dự báo giá lúa vẫn chưa biến động và nông dân tiếp tục đối mặt với khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám, nhìn nhận: “Khó khăn lớn nhất là thị trường, đầu ra nông sản. Nhu cầu và giá cả nhiều mặt hàng nông sản trên thị trường thế giới liên tục giảm, cộng với sức mua trong nước giảm sút gây tồn kho, ứ đọng lớn”.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, hiện ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch rộ lúa Hè Thu, lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ rất lớn (trên 4 triệu tấn), trong khi gạo của Việt Nam hiện bị nhà nhập khẩu ép giá do không có hợp đồng tập trung số lượng lớn để kéo giá tăng trở lại.
“Chất lượng gạo Việt Nam, nhất là gạo vụ Hè Thu chưa đạt về độ thuần chủng, độ dài hạt, màu sắc và chất lượng gạo. Nếu không được giải quyết thì giá gạo của nước ta tiếp tục bấp bênh trong thời gian tới và công tác xây dựng thương hiệu gạo sẽ rất khó khăn”- bà Hồ Thị Kim Thoa lưu ý.
Liên quan đến giá lúa và lợi nhuận của nông dân, ông Đào Anh Dũng- Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ so sánh, nếu như vụ Đông Xuân 2013 lợi nhuận của nông dân sản xuất lúa thơm Jasmine đạt trên 62%, thì sang vụ Hè Thu chỉ còn khoảng 50%. Lúa IR50404, vụ Đông Xuân lợi nhuận trên 38%, thì vụ Hè Thu chỉ khoảng 7- 12%.
Giải thích nguyên nhân, ông Phạm Hoàng Bê- Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, tiền lãi nông dân trồng lúa được hưởng đã rơi vào tay các đại lý vật tư nông nghiệp. Nông dân đi vay ngân hàng lần đầu, nếu chưa trả sẽ không được vay tiếp.
Vì vậy, họ đến mua thiếu phân bón, thuốc trừ sâu… ở các đại lý đến mùa trả với lãi suất cao. Nên nói nông dân lời 20- 30% nhưng thực chất họ lãi không tới vì chia bớt cho đại lý vật tư nông nghiệp.
Ông Phạm Hoàng Bê đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT nên giao địa phương quy hoạch trồng giống phù hợp với thế mạnh, đặc thù của địa phương vì nhiều nông dân không quan tâm đến loại giống nào sản lượng cao mà họ chỉ trồng giống nào bán được.
Quy hoạch vùng sản xuất
Nhiều đại biểu cho rằng, nhu cầu cấp thiết nhất hiện nay là phải tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả cao, đảm bảo nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Ông Huỳnh Thế Năng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, chính sách tháo gỡ phải cụ thể, chi tiết chứ không thể kêu gọi chung chung nữa. Liên quan đến việc chuyển đổi đất lúa sang các loại cây trồng khác ở ĐBSCL, ông đặt vấn đề chuyển đổi tràn lan, sản phẩm làm ra bán cho ai, bán ở đâu?
Vì vậy, theo ông Huỳnh Thế Năng “muốn làm được điều đó thì phải có sự liên kết, phối hợp đồng bộ từ chính sách đến triển khai thực hiện, chứ không thể hô hào là được”.
Nhiều chuyên gia đề nghị chuyển đổi đất lúa sang trồng cây khác cần phải đảm bảo ổn định đầu ra.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám lưu ý, về lâu dài các địa phương cần xác định cụ thể cơ cấu cây trồng mùa vụ, từng vùng đất. Cơ cấu cây trồng phải đảm bảo phù hợp với thị trường, hiệu quả cao nhất. Phát triển mạnh các hình thức liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng nguyên liệu tập trung gắn với xây dựng thương hiệu.
Trên cơ sở các ý kiến, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát lưu ý, giải pháp trước mắt là thực hiện tốt đợt mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Hè Thu; tập trung tháo gỡ rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Về lâu dài, các địa phương phải rà soát lại quy hoạch sản xuất lúa, quy hoạch vùng nuôi thủy sản, đẩy mạnh chương trình đưa giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao thay thế giống lúa cũ; thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết với nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Giải thích thêm mục đích việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây khác, Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý: “Không nhất thiết đất lúa là phải trồng lúa, mà có thể trồng bắp, đậu nành,… Mục tiêu của chúng ta không phải là lúa nhiều mà là làm sao tăng thu nhập và đời sống của nông dân”.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo: Trước mắt, các bộ và ngành địa phương tiếp tục kiến nghị bổ sung cơ chế chính sách, mở rộng, tìm kiếm thị trường; tiếp tục thực hiện tín dụng cho sản xuất, xuất khẩu. Về lâu dài, phải tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; quy hoạch theo vùng, liên kết vùng.
Không nhất thiết phải giữ 3,8 triệu hecta đất lúa mà phải linh động sản xuất các sản phẩm có hiệu quả hơn lúa nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đặc biệt, cần nghiên cứu thành lập thí điểm quỹ hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đặc biệt lúc giá bị giảm, khi giá cả lên xuống vẫn duy trì ổn định cho người dân.
“Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: chúng ta đã tham gia vào thị trường thế giới, lúa và thủy sản là 2 mặt hàng chủ lực của ĐBSCL, tác động lớn đến kinh tế đất nước. Vì vậy, làm thế nào cũng phải theo nguyên tắc thị trường, quy định của các tổ chức quốc tế mà ta đã tham gia.”
Báo Vĩnh Long Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn