Theo thống kê chính thức của Bộ NNPTNT, trung bình mỗi năm có hơn 100 loại văn bản, giấy phép con của 11 ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn ra đời đang “hành” doanh nghiệp và người dân.
Nhiều giấy phép để “hành” dân
Đang nuôi hơn 4 vạn con gà đẻ, ông Đinh Sỹ Chung – chủ trại gà ở Yên Sơn, thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) mỗi ngày xuất bán 1,5 - 2 vạn quả trứng và tương ứng với đó là hàng loạt phí, lệ phí mà ông phải đóng. “Đầu tiên là phí kiểm dịch định kỳ, mỗi năm 1 triệu đồng, tiếp đến là phí xuất bán gà thải loại. Nặng nhất là phí kiểm dịch xuất bán trứng. Nếu một xe chở 1 vạn quả thì phải mất 45.000 đồng để xin giấy kiểm dịch, 50.000 đồngphí kẹp chì; 200.000 đồng tiền kiểm dịch. Ngoài ra, nếu muốn chuyến hàng ra các tỉnh khác thì tính ra mỗi năm tiền kiểm dịch và cái loại phí này cũng hết hàng chục triệu đồng”- ông Chung nói. Theo ông Chung, tình trạng này cũng là tình trạng chung của hầu hết các trang trại đang rất bị “phiền hà” từ các loại thủ tục, giấy phép”.
Hiện một con gà đang phải cõng tới 14 khoản phí, khiến người dân nuôi gặp rất nhiều khó khăn (ảnh chụp tại một trang trại ở thị trấn Cao Thượng, Tân Yên, Bắc Giang). Ảnh: Việt Tùng Là một đơn vị chuyên sản xuất tôm giống, ông Nguyễn Hoàng Anh – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung cho biết, để nhập khẩu một lô tôm giống bố mẹ từ nước ngoài về hiện nay các doanh nghiệp phải có giấy phép nhập khẩu, giấy phép kiểm dịch, các loại phí khác với chi phí khoảng 40 triệu đồng với lô tôm 1.000 con. Sau khi sản xuất tôm giống thương phẩm bán ra thị trường tiếp tục phải xin giấy phép là220.000 đồng/lần xuất bán. “Giấy phép xuất bán thì không cần biết là bán bao nhiêu tôm giống, cứ mỗi lần xuất là phải xin giấy phép này” - ông Anh nói.
Theo báo cáo của Vụ Pháp chế, hiện tổng số giấy phép, văn bản thuộc lĩnh vực NNPTNT (bao gồm 11 lĩnh vực) là 216 loại giấy phép. Dẫn đầu là lĩnh vực thú y với 43giấy phép trong đó có tới 26 văn bản cần phải sửa đổi, bổ sung, 5 văn bản phải bãi bỏ; lĩnh vực lâm nghiệp có 41 giấy phép, thì có 14 giấy phép phải sửa đổi hoặc bãi bỏ; lĩnh vực thủy sản cũng có 16/39 giấy phép cần sửa đổi, bãi bỏ, nhiều nhất là lĩnh vực trồng trọt với 13/32 giấy phép cần được bãi bỏ… Theo kế hoạch toàn ngành nông nghiệp có đến 78 văn bản, giấy phép cần được sửa đổi, bãi bỏ song cho đến nay mới có 14 giấy phép được sửa đổi bổ sung.
Đủ thứ bôi trơn
"Chỉ tính trong 10 năm trở lại đây, riêng Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ đã ban hành hơn 1.000 văn bản, giấy phép, thủ tục hành chính các loại, trong đó có nhiều giấy phép, thủ tục chồng chéo, gây khó khăn trong công tác quản lý, đặc biệt là khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân. Do đó mục tiêu trong thời gian tới giảm tối đa các thủ tục hành chính, giấy phép có thể theo hướng gọn, nhẹ”. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn
Tại một cuộc họp mới đây, khi nói về những điều vô lý trong kiểm dịch, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã truy vấn Cục Thú y về vấn đề này. Chẳng hạn các sản phẩm đông lạnh đã được qua xử lý nhiệt, bao gói rồi thì còn gì để kiểm dịch, mà bên thú y vẫn đòi… kiểm dịch. Hoặc chiếc sừng tê giác đã được sấy khô, thì cần gì kiểm dịch, song bên thú y vẫn cứ nhất nhất đòi kiểm dịch. Điều này đã chứng tỏ, ngành thú y cố tình gây khó dễ cho doanh nghiệp. Trước những sự vô lý trên, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã yêu cầu Cục Thú y phải sửa đổi ngay những điều bất hợp lý này trước tết.
Trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi (TACN) cũng bức xúc cho biết, hiện lĩnh vực TACN doanh nghiệp cũng kêu ca, phàn nàn quá nhiều về các thủ tục, giấy phép. Chẳng hạn, để nhập khẩu được nguyên liệu cho TACN, mỗi một lĩnh vực lại phải “vướng” vào các thủ tục liên quan tới ngành thú y, ngành trồng trọt, ngày bảo vệ thực vật và cả hải quan, biên phòng… “Tôi đã từng làm kiến nghị cho các doanh nghiệp nhưng không thấy có kết quả nên hiện các doanh nghiệp TACN đã chán không muốn kiến nghị nữa, thay vào đó họ chuyển sang hình thức “bôi trơn” lại nhanh được việc hơn”- ông Lịch nói.
Đại diện Tổng cục Thủy sản cho rằng, việc quản lý con tôm hiện đang có rất nhiều giấy phép, tuy nhiên không phải đùng một cái có thể bỏ hết được, mà cần phải có lộ trình điều chỉnh từ từ. “Bộ cần thành lập tổ công tác về việc rà soát sửa đổi bổ sung, bãi bỏ giấy phép đễ hỗ trợ các đơn vị trong quá trình thực hiện và cần có lộ trình rõ ràng, bởi để bỏ một giấy phép, thông tư… rất dễ, nhưng để soạn thảo ra một thông tư thay thế không hề sơn giản, có như vậy thì việc bãi bỏ, sửa đổi bổ sung mới hiệu quả” – vị đại diện này nêu ý kiến.
Để việc ra soát, sửa đổi bổ sung, bãi bỏ các “giấy phép con” có hiệu quả, Vụ Pháp chế cho rằng cần phải tổ chức các cuộc hội thảo để đánh giá tính cần thiết, hợp pháp, hợp lý của các loại giấy phép; lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân là đối tượng cấp phép và một số hiệp hội có liên quan; khảo sát ở các địa phương…
Việt Tùng – Thanh Xuân (Dân Việt)