01:58 EDT Thứ bảy, 11/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhiều người quan tâm » Kiến thức quản lý


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Một số kiến nghị đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thứ tư - 23/10/2013 22:38
Theo kế hoạch, tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét và thông qua luật Đất đai (sửa đổi). Từ nhiều tháng nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Liên minh Đất đai (LANDA) - một mạng lưới với 18 tổ chức xã hội - nghề nghiệp đã thực hiện tham vấn và thu thập ý kiến người dân tại một số tỉnh và thăm dò ý kiến của bạn đọc trên một số báo điện tử nhằm xác định nhu cầu và nguyện vọng của người dân về các vấn đề đất đai quan trọng có tác động lớn tới cuộc sống và sinh kế của họ. Trên cơ sở đó, LANDA đã xây dựng các kiến nghị đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Báo Kinh tế nông thôn xin giới thiệu nội dung một số kiến nghị này.
Chính sách Nhà nước thu hồi đất

Khái niệm “kinh tế, xã hội” trong cơ chế Nhà nước thu hồi đất đang có chủ sử dụng cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội là một khái niệm không rõ ràng, cần được làm rõ để tránh bị lợi dụng. Việc Nhà nước thu hồi đất cho các dự án xã hội là hợp lý, thuộc phạm vi vì lợi ích công cộng; việc Nhà nước thu hồi đất vì lợi ích chung trong phát triển hạ tầng kinh tế đất nước cũng là hợp lý, thuộc phạm vi vì lợi ích quốc gia; nhưng thu hồi đất cho các mục tiêu kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư là không hợp lý, thậm chí trái với nguyên tắc xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh của Nhà nước ta. Do vậy, phải làm rõ các loại dự án phát triển kinh tế, xã hội cho các mục đích và lợi ích cụ thể. 

Đề nghị nguyên tắc này được điều chỉnh lại như sau: Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế đất nước, xã hội, an ninh, quốc phòng phục vụ cho lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng. Điều này vừa phù hợp chuẩn quốc tế, vừa khẳng định được việc không áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư. Về nguyên tắc, các dự án đầu tư phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng cần được hiểu là các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế của đất nước. Như vậy, Điều 62 và Điều 63 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần được viết chung lại thành một điều thuộc phạm vi được áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Điều này không bao gồm việc thu hồi đất để thực hiện các dự án chỉnh trang, phát triển các khu đô thị, khu dân cư nông thôn; các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản. 

Đối với các dự án chỉ vì mục đích lợi ích kinh tế của nhà đầu tư mà phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị thì hướng giải quyết là cải thiện cơ chế thỏa thuận giữa nhà đầu tư và những người đang sử dụng đất. Theo cơ chế này, các bên liên quan phải thực hiện quy hoạch đã được duyệt; nhà đầu tư không thỏa thuận với từng người đang sử dụng đất mà phải thỏa thuận với cộng đồng những người đang sử dụng đất có sự giám sát của chính quyền. Các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội thực hiện hỗ trợ cộng đồng và giám sát quá trình thỏa thuận. Khi đạt được đồng thuận của đa số ý kiến trong cộng đồng thì phương án chuyển quyền sử dụng đất đã đạt được thỏa thuận sẽ được áp dụng cho tất cả mọi trường hợp.Mức đồng thuận cần đạt được trong cộng đồng là 70%.

Như vậy, Điều 64 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần chỉnh sửa theo hướng tạo chính sách: “Nhà đầu tư thỏa thuận với cộng đồng những người sử dụng đất về phương án chuyển quyền sử dụng đất tự nguyện để thực hiện dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch sử dụng đất dưới sự kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương. Các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội thực hiện hỗ trợ cộng đồng và giám sát quá trình thỏa thuận. Phương án được thực hiện khi đạt được ý kiến đồng thuận của ít nhất 70% ý kiến của cộng đồng”2.

Chính sách người dân tham gia vào lập quy hoạch sử dụng đất

Vấn đề chính về quy hoạch sử dụng đất mà người dân quan tâm là cần cụ thể hóa vai trò của người dân tham gia vào quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nội dung này có tầm quan trọng đặc biệt để người dân không bị đứng ngoài công cuộc phát triển đất nước, địa phương và tạo được đồng thuận xã hội. 

Điều 43 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung “tổ chức họp cộng đồng để lấy ý kiến người dân về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất cấp huyện” và quy định cụ thể về việc “phương án quy hoạch sử dụng đất cấp huyện cần đạt được sự đồng thuận của ít nhất 70% ý kiến người tham gia trước khi được phê duyệt”. 

Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gần như chưa có điều chỉnh phù hợp về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Các điều khoản liên quan trong Dự thảo chỉ được xây dựng trên cơ sở của Luật hiện hành và luật hóa một số điều của các nghị định hiện hành. Điều này chắc chắn là dự báo cho những bức xúc đất đai trong xã hội tiếp tục gia tăng. Việc đổi mới công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là một nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi)

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn giữ nguyên tắc khi Nhà nước lấy đất thì bồi thường bằng đất cùng loại, nếu không có đất cùng loại thì bồi thường bằng tiền với giá trị tương đương. Cách tiếp cận này xuất phát từ quan niệm đơn giản coi đất đai chỉ đơn thuần là tài sản, có thể được trả thay bằng tiền bồi thường để mua được một thửa đất tương đương. 

Trên thực tế, ngoài ý nghĩa là tài sản, đất đai còn là tài nguyên thiên nhiên, là tư liệu sản xuất và nguồn sống của con người. Như vậy, khi đất là tài nguyên thiên nhiên mà nhà đầu tư lấy đất tức là làm mất tài nguyên thì phải bồi thường cho Nhà nước tiền để khôi phục tài nguyên đó. Cơ chế này sẽ hạn chế được tình trạng sử dụng đất lúa, đất rừng tự nhiên vào thực hiện các dự án đầu tư. Trường hợp đất đai nông nghiệp là tư liệu sản xuất nông nghiệp của nông dân, hoặc đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp là tư liệu sản xuất phi nông nghiệp, nhà đầu tư muốn có đất thì ngoài việc bồi thường giá trị như một tài sản còn phải bồi thường về thu nhập, sinh kế cho người mất đất. Nhà đầu tư lấy đất phải chi trả cho người mất đất khoản thu nhập từ đất ngang mức thu từ sử dụng đất trước đây cho tới khi người bị mất đất có nguồn thu nhập mới. Nếu chỉ là khoản hỗ trợ trong một thời gian nhất định thì coi như đã phó mặc việc tìm sinh kế mới cho người mất đất tự lo. Do đó, thay vì phó mặc gánh nặng hỗ trợ đào tạo nghề đối với người mất đất cho Nhà nước, nhà đầu tư cần đất phải được yêu cầu cùng bàn bạc với người mất đất về cơ hội tìm sinh kế mới cho họ. Cần quy định sao cho càng để lâu, chi phí bồi thường càng lớn, để bắt buộc nhà đầu tư không thể trì hoãn. 

Như vậy, cơ chế bồi thường, hỗ trợ hợp lý cần dựa trên nguyên tắc “Nhà nước chi trả bồi thường đối với giá trị quyền sử dụng đất theo nghĩa là tài sản của người mất đất; nhà đầu tư chi trả bồi thường phần giá trị để khôi phục tài nguyên đất, rừng tự nhiên trên đất cho Nhà nước và chi trả phần giá trị để khôi phục những tổn thất cho người sử dụng đất do mất tư liệu sản xuất”. Theo nguyên tắc này, nhà đầu tư cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng đất đai trong bài toán đầu tư để chi phí ít nhất, chính quyền địa phương cũng khó đánh đổi mọi giá cho phát triển, như vậy chắc chắn sẽ giảm được tham nhũng từ đất đai và bảo vệ được nguồn lực đất đai. Chính sách như vậy cần phải được bổ sung vào Luật Đất đai (sửa đổi). 

Về cơ chế “Chia sẻ lợi ích”: Nguyên tắc chia sẻ lợi ích được đưa ra với các mục tiêu tạo nguồn vốn để phát triển cho địa phương, tạo quan hệ đối tác dài hạn giữa nhà đầu tư và cộng đồng dân cư địa phương. Các hình thức chia sẻ gồm có: (a) giảm giá cung cấp điện, nước cho dân cư địa phương; (b) chuyển một phần nguồn thu ngân sách nhà nước cho chính quyền địa phương và chia sẻ một phần nguồn thu cho những người bị ảnh hưởng; (c) chính quyền địa phương được bình đẳng với chủ đầu tư tham gia vào các quyết định vận hành dự án; (d) tạo điều kiện cho địa phương để phát triển hạ tầng, đào tạo nghề, tạo việc làm mới trong khu vực phi nông nghiệp; (đ) địa phương được thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp từ dự án; (e) khôi phục và phát triển đời sống của cư dân địa phương; (g) đóng góp cho phát triển hạ tầng cho cộng đồng địa phương; (h) phát triển tiềm năng bảo vệ tài nguyên và môi trường cho địa phương. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần tiếp nhận “cơ chế chia sẻ lợi ích” này để áp dụng vào phương thức bồi thường, hỗ trợ cho người dân khi triển khai các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên như thủy điện, khai khoáng, v.v. và giao cho Chính phủ hướng dẫn thực hiện

Về cơ chế “Góp đất và điều chỉnh lại đất đai”: Đây là một phương thức cho quản lý và giải quyết tài chính trong phát triển đô thị, đã được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các nước phát triển, các nước công nghiệp mới và hiện nay đang được áp dụng ở nhiều quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan,... Nội dung của phương thức này là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thực hiện dự án góp đất và điều chỉnh lại đất đai tại một địa điểm nhất định trên nguyên tắc chuyển đất đang sử dụng sang các mục đích phát triển một khu đô thị mới, hoặc chỉnh trang khu đô thị cũ với một quy hoạch hạ tầng, khu dân cư, khu công cộng, các cơ sở sản xuất kinh doanh, v.v. theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Khi quy hoạch, cần căn cứ vào số lượng người đang sử dụng đất để bố trí trả lại cho họ diện tích đất đô thị tương ứng sao cho giá trị đất đô thị nhận được phải cao hơn giá trị đất họ sử dụng trước đó và diện tích đất còn lại được đưa ra đấu giá để có kinh phí thực hiện toàn bộ dự án. Quy hoạch này được cộng đồng những người đang sử dụng đất thảo luận và đồng thuận trong triển khai dự án. Theo phương thức này, người mất đất luôn tham gia vào dự án phát triển, không bị đứng ngoài cuộc như hiện nay, cùng người dân địa phương trở thành động lực chính cho phát triển đô thị. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần tiếp nhận “cơ chế góp đất và điều chỉnh lại đất đai” này để áp dụng vào phương thức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các dự án xây dựng khu đô thị mới và chỉnh trang khu đô thị cũ và giao cho Chính phủ hướng dẫn thực hiện.

Dựa trên kết quả thăm dò ý kiến, Khoản 2 Điều 72 (Trình tự, thủ tục thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội) của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung chính sách “Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt khi đạt được ít nhất 70%4 ý kiến đồng ý của những người tham gia ý kiến từ cộng đồng dân cư địa phương”.
 
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 175

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 174


Hôm nayHôm nay : 18642

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 528759

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 60850716