Trong những năm gần đây công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp đã được được chú trọng đầu tư tăng cường năng lực, đổi mới phương thức tổ chức thực hiện và có sự vào cuộc của các cơ quan địa phương, đơn vị nên đã có sự chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và khó khăn, hạn chế nhất chính là bộ máy, năng lực quản lý từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Tại Hà tĩnh, tổ chức bộ máy, năng lực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm của ngành nông nghiệp còn rất hạn chế, nhất là đối với cấp huyện, xã. Các địa phương chưa có cán bộ chuyên trách, chủ yếu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chưa đủ năng lực để giám sát chất lượng, ATTP ngay từ công đoạn sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, trong khi đó các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ ở các địa phương có tỷ lệ rất lớn, chiếm khoảng gần 90%. Cụ thể:
1. Cấp tỉnh:- Biên chế được giao quá ít so với yêu cầu, nhiệm vụ được giao;
- Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản là đơn vị đầu mối tham mưu, tổng hợp công tác quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, thường xuyên phải tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát về chất lượng, an toàn thực phẩm, nhưng đến nay đơn vị không được bố trí phương tiện nên ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra (không chủ động được phương tiện trong công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất);
- Đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có các phòng kiểm nghiệm đảm bảo quy định nên việc phân tích mẫu thường chậm so với yêu cầu của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng, ATVSTP.
2. Cấp huyện:Mặc dù UBND tỉnh đã có phân công, phân cấp cụ thể về thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng, ATTP trên địa bàn (Theo các Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 ), tuy nhiên một số địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, còn lúng túng, thiếu chủ động từ việc bố trí nguồn lực đến công tác tuyên truyền, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm; phần lớn các địa phương không bố trí hoặc bố trí chưa phù hợp kinh phí để triển khai thực hiện.
Bên canh đó, đội ngũ cán bộ phụ trách về chất lượng, an toàn thực phẩm thường thay đổi, không ổn định, thiếu đào tạo chuyên ngành nên ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các cơ sở sản xuất kinh doanh còn hạn chế, chưa sâu rộng, phần lớn các cơ sở ở vùng sâu, vùng xa chưa nắm bắt được các quy định pháp luật về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
3. Cấp xã:Hiện nay, tại cấp xã chỉ bố trí 01 công chức Nông nghiệp và môi trường đảm nhận rất nhiều công việc chuyên môn của lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, đồng thời là đầu mối triển khai xây dựng nông thôn mới ở địa phương; Chính quyền cấp xã gần như không bố trí được nguồn kinh phí phục vụ công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; sự phối hợp giữa cấp xã, cấp huyện hoặc giữa các cán bộ được phân công nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm của cấp xã chưa chủ động, nhịp nhàng, hiệu quả thấp.
Việc tổ chức thực hiện ký cam kết sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm theo Thông tư số 17/2018/TT-BNN&PTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại đa số các địa phương còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; tỷ lệ các cơ sở được kiểm tra sau khi ký cam kết còn quá thấp, chưa kiểm soát được các mối nguy về ATTP tại các công đoạn sản xuất, kinh doanh ban đầu nhỏ lẻ.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế về bộ máy, năng lực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm Chính phủ đang xây dựng Nghị định hướng dẫn về sắp xếp, tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ quản lý, kiểm soát chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản thống nhất theo ngành dọc. Hy vọng, sau khi có Nghị định hưỡng dẫn của Chính phủ, tỉnh sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy ngành dọc và cán bộ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tại các tuyến huyện, xã được tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực để công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm ngày càng được triển khai hiệu quả./.
Theo Hoài Thu/sonongnghiephatinh.gov.vn