Tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII vừa qua, vấn đề năng suất lao động của nền kinh tế nước ta được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập, chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Nhiều đại biểu cho rằng, năng suất lao động của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước rất thấp, vừa do công nghệ lạc hậu, vừa do quá đông người, vừa do quản lý lao động yếu... Có thể lấy ví dụ từ các ngành điện, dệt may, than,… Đây là đầu mối của vấn đề. Tuy nhiên, nhiều đại biểu doanh nghiệp cho rằng, giải quyết thế nào đối với số lao động dôi dư sau tái cơ cấu và đầu tư công nghệ mới là trở ngại không nhỏ đối với doanh nghiệp. Theo nhiều đại biểu, đây là vấn đề không thể giải quyết một sớm một chiều.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, người “chia lửa” với Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lại có cái nhìn khác khi cho rằng, năng suất lao động của ta thấp là do lao động nông nghiệp nước ta có tới trên 40 triệu người, khoảng gần 50% dân số, làm ra giá trị sản phẩm chỉ chiếm 21% GDP. Ông phân tích, 40 triệu người làm ra 43 triệu tấn thóc, có nghĩa là mỗi lao động làm ra 1 tấn gạo, tương đương 400 USD. “Cho nên nếu chúng ta không thay đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, nâng cao tỷ trọng của giá trị sản xuất công nghiệp trong GDP, cho dù chúng ta đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hoặc dịch vụ như thế nào đi nữa chúng ta cũng không thể tăng được năng suất lao động”, Bộ trưởng nói.
Theo nhiều chuyên gia, năng suất lao động của nước ta thấp do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do những ngành có năng suất lao động thấp lại chiếm tỷ trọng lao động rất cao (như nông nghiệp, buôn bán nhỏ...). Có nguyên nhân do chất lượng lao động mà biểu hiện trước hết ở tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn rất thấp và tăng rất chậm, hiện mới đạt khoảng một phần tư tổng số. Ngay cả số đã qua đào tạo thì cơ cấu cũng còn nhiều điểm chưa hợp lý. Và ngay cả các ngành công nghiệp thì năng suất cũng chưa cao do công nghệ lạc hậu, tổ chức và quản lý nhân sự yếu và cũng rất đông lao động.
Như vậy có thể thấy, để nâng cao năng suất lao động, cùng lúc ta phải làm nhiều việc, cả trong nông và công nghiệp nhưng phải bắt đầu bằng tăng giá trị nhưng phải giảm số người lao động trong các ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Để làm được điều này, vấn đề tích tụ ruộng đất phải được coi là điểm khởi đầu. Một nông trại ở các nước nông nghiệp tiên tiến rộng hàng trăm hecta nhưng chỉ có vài lao động, còn ở ta, mỗi hộ vài ngàn mét vuông thì làm cách gì cũng khó có thể nâng cao năng suất lao động một cách toàn diện. Việc doanh nghiệp cùng nông dân xây dựng cánh đồng mẫu là một sáng tạo nhưng số người tham gia sản xuất nông nghiệp vẫn quá lớn. Cần triển khai nhanh và mạnh hợp tác công – tư trong nông nghiệp để giảm lao động nông nghiệp. Cách làm của Đồng Tháp khi ký hợp đồng hợp tác với một tập đoàn Hàn Quốc là cách làm hay, cần nghiên cứu, nhân rộng.
Thanh Hiền
Theo kinhtenongthon.com.vn