Trong khi sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam thường xuyên bị kiện bán phá giá vào các thị trường nước ngoài thì ngay tại thị trường trong nước, do hàng rào kỹ thuật yếu, các doanh nghiệp nội còn chưa hình thành ý thức tự bảo vệ mình nên thường xuyên bị nông sản ngoại gây khó khăn.
Đi kiện cũng phải nhìn trước ngó sau
Thịt đùi gà Mỹ, đùi gà góc tư Mỹ bán tại thị trường Việt Nam chỉ có giá 20.000 -25.000 đồng/kg đã khiến cả ngành chăn nuôi gia cầm có tốc độ phát triển tốp đầu thế giới như Việt Nam giật mình nhìn lại. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại lớn nhỏ đều khẳng định, thịt đùi gà Mỹ đã bán phá giá ở thị trường Việt Nam. Thậm chí, Hiệp hội Gia cầm Đông Nam bộ đã sang Mỹ để điều tra, tìm hiểu về giá thịt gà Mỹ bán tại thị trường Mỹ.
Theo kết quả mà Hiệp hội này cung cấp, ngay tại thị trường Mỹ giá thịt đùi, thịt đùi gà góc tư Mỹ cũng không có giá 20.000-25.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp lớn bị thiệt hại trong việc giá thịt gà Mỹ giá rẻ tràn vào Việt Nam đã quyết định kiện thịt gà Mỹ bán phá giá. Tuy vậy, đến khi quyết định đi kiện thì sự việc lại không đơn giản.
Đại diện Cục Chăn nuôi Bộ NN&PTNT cho biết, đến ngày 30-10, Cục này cũng mới có báo cáo cấp trên về việc có nên áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đùi gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam hay không. Theo Cục này, khó khăn nhất hiện nay là phải liên kết được các doanh nghiệp lớn, chiếm 25% thị phần sản phẩm gia cầm bán ra thị trường Việt Nam và đặc biệt là kinh phí để thuê luật sư và theo kiện.
“Doanh nghiệp trong nước vẫn chưa quen với việc kiện doanh nghiệp nước ngoài bán phá giá sản phẩm vào thị trường trong nước, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Nếu gửi đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới thì sẽ vừa phải mất công, mất của, đó còn chưa biết là có thắng kiện hay không”, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhìn nhận.
Còn bà Phạm Hồng Hạnh, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT cho rằng, phải sau khi có kết quả rà soát toàn diện mới có thể quyết định xem xét thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo bắt đầu xem xét nên áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng gia cầm hay không. Tuy nhiên, muốn áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cần dựa trên căn cứ chắc chắn, không thể đặt các giả thiết cảm tính.
Hàng rào kỹ thuật yếu
Trong khi đó, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như thủy sản luôn luôn bị áp thuế chống bán phá giá với hầu hết các sản phẩm như tôm, cá tra phi lê tại thị trường Mỹ. Một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu cá tra năm 2015 sụt giảm tại thị trường Mỹ được Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, là do thuế chống bán phá giá cá tra vào thị trường Mỹ năm 2015 bị áp quá cao.
Trung bình gần 1 USD/kg đã đẩy giá cá tra Việt Nam tại thị trường Mỹ lên cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu và cả doanh nghiệp nhập khẩu của Mỹ. Mỗi năm, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đều công bố kết quả rà soát hành chính thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này một cách rất bài bản. Tương tự, một số sản phẩm nông sản Việt Nam thường xuyên bị gặp khó, phải trả về như chè, rau, quả xuất đi EU… vì vi phạm chỉ tiêu về ATTP hoặc thủy sản xuất đi Nhật Bản, EU đã bị cảnh báo vì tồn dư kháng sinh…
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP cho biết, đến nay sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới 164 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, khi xuất khẩu vào bất kỳ thị trường nào họ đều yêu cầu rất nghiêm ngặt về chất lượng, ATTP, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội… “Nước nào cũng muốn bảo hộ sản xuất trong nước, nhưng do họ làm ăn bài bản nên bảo hộ bằng hàng rào kỹ thuật”, ông Nguyễn Hữu Dũng đánh giá. Trong khi đó, hàng rào kỹ thuật của Việt Nam còn thiếu và yếu đã khiến hàng nước ngoài tràn vào ồ ạt, thậm chí là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.
Theo Hải Dương/anninhthudo.vn