Thời gian gần đây, TP. Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương trong cả nước đã có những cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, trên thực tế mặc dù có tiềm năng, song việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương còn hạn chế, chưa như kỳ vọng.
Cần tạo quỹ đất sạch cho DN đầu tư nông nghiệp công nghệ cao |
Nhìn chung, việc đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp chưa nhiều. Các mô hình phát triển thiếu bền vững, dẫn đến sản phẩm sản xuất ra không ổn định, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường...
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao tạo nguồn cung cầu sản phẩm, an sinh xã hội luôn được địa phương coi trọng. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn bất cập. Bởi vậy, TP. Đà Nẵng đã và đang có nhiều chính sách thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực này.
Mới đây, bà Huỳnh Liên Phương, Phó giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng cũng đã công bố 5 dự án kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn với tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng.
Theo đó, 5 dự án bao gồm: Dự án chăn nuôi chế biến gia súc gia cầm tập trung tại Hòa Khương, huyện Hòa Vang, 230 tỷ đồng; Dự án sản xuất rau an toàn tại xã Hòa Phú, Hòa Ninh vốn mỗi dự án khoảng 220 tỷ đồng; Dự án trồng cây dược liệu tại Hòa Ninh, Hòa Phú 22ha, vốn đầu tư 150 tỷ đồng; Dự án sản xuất giống nấm, thương phẩm nấm ăn, dược liệu, vốn đầu tư 20 tỷ đồng và dự án cảng cá Thọ Quang ở quận Sơn Trà với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.
Trong đó, dự án cảng cá Thọ Quang sẽ tập trung xây dựng bến cảng hiện đại đạt chuẩn, kết nối với cảng Tiên Sa, phát triển hạ tầng phụ trợ bến cảng toàn diện, nâng cấp và mở rộng chợ thủy sản kết hợp chuỗi nhà hàng phục vụ du khách như mô hình ở một số nước đã áp dụng.
Trước đó, TP. Đà Nẵng cũng đã phê duyệt quy hoạch 7 vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Hòa Vang bao gồm: Vùng sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Ninh (35ha), xã Hòa Phú (22ha), xã Hòa Phong (20ha); vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tại xã Hòa Bắc (320ha), xã Hòa Khương (30ha); khu trồng cây dược liệu tại xã Hòa Phú (3ha); khu sản xuất nấm thương phẩm và dược liệu tại phường Hòa Quý (1ha)…
Tiếp vốn cho nông nghiệp sạch, sử dụng công nghệ cao từ cuối năm 2016 chương trình tín dụng phục vụ nông nghiệp sạch của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chính thức triển khai trên địa bàn.
Ông Đoàn Phúc, Phó giám đốc Agribank Đà Nẵng cho biết, với vai trò chủ lực, tiên phong của mình Agribank Đà Nẵng đã và đang đẩy mạnh gói tín dụng hướng vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sạch.
Bên cạnh, mức lãi suất ưu đãi, chương trình tín dụng còn hỗ trợ cho khách hàng khi gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Trên thực tế nhiều DN, hộ vay vốn từ chương trình này bắt đầu phát huy hiệu quả, mang lại những tín hiệu khả quan cho nền nông nghiệp địa phương.
Ở Việt Nam, hiện có khoảng 4.000 DN đầu tư vào nông nghiệp, với số lượng như vậy không đủ khả năng thay đổi cơ cấu kinh tế. Trong đó, đa số DN có quy mô còn nhỏ, chưa đủ năng lực để thay đổi nền tảng nông nghiệp.
Tại hội thảo thu hút đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND TP. Đà Nẵng vừa mới tổ chức, PSG.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, cần lấy DN làm trụ cột để thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Bởi có DN mới có công nghệ, có thị trường, cũng như tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Các địa phương cần tiếp cận, thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp. T
rên thực tế, việc kêu gọi DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao được xem là giải pháp nhằm dựa vào những lợi thế về nguồn tài chính, khả năng tích tụ ruộng đất của DN. Từ đó, hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao với quy mô, sản lượng lớn, tạo khả năng liên kết chặt chẽ với các kênh phân phối trên thị trường cả trong lẫn ngoài nước.
Tuy đã xác định được vai trò của DN trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, song việc kêu gọi các DN đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn nhiều nút thắt. Trong đó, phải kể đến việc tiếp cận với quỹ đất sạch của nhà đầu tư.
Theo ý kiến đề xuất của đại diện Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng, chính quyền địa phương nên bỏ tiền giải tỏa trắng một khu vực quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Sau đó, mời gọi DN đến đầu tư, sẵn sàng một diện tích đất sạch cho DN. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần có chính sách tháo gỡ khó khăn khi chuyển đổi diện tích đất rừng có độ dốc thấp sang đất sản xuất nông nghiệp để có thể mở rộng diện tích đất phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo Nghi Lộc/thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn