Bộ Tài chính luôn tạo điều kiện cho chủ đầu tư tạm ứng vốn đẩy nhanh tiến độ công trình, nhưng nếu chây ỳ phải xử lý nghiêm. Ảnh: T.Hằng.
Sử dụng sai mục đích bị thu hồi
Trong Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 162/2012/TT-BTC (ngày 3-10-2012) của Bộ Tài chính quy định việc tạm ứng vốn KBNN nêu rõ, khi phát sinh nhu cầu tạm ứng vốn KBNN, UBND các tỉnh phải có văn bản gửi Bộ Tài chính. Trong đó, nêu ra danh mục dự án tạm ứng vốn; tiến độ tạm ứng vốn; tiến độ hoàn trả tạm ứng vốn; tổng dư nợ các nguồn vốn đã huy động (kể cả các nguồn vốn huy động theo phương thức khác như phát hành trái phiếu, vay ngân hàng,...) và cam kết sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, hiệu quả, hoàn trả đúng thời hạn, các cam kết khác để Bộ Tài chính xem xét, quyết định.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ ra quyết định đồng ý hoặc không đồng ý cho tạm ứng vốn. Tuy nhiên, các trường hợp được tạm ứng phải đảm bảo hoàn trả đúng hạn, đúng quy định; nếu không KBNN có quyền trích tồn quỹ ngân sách để thu hồi đủ số vốn đã tạm ứng, phí tạm ứng và phí tạm ứng quá hạn (nếu có). Các khoản tạm ứng sử dụng không đúng mục đích đã được phê duyệt sẽ bị thu hồi.
Trong năm 2014, để đẩy nhanh việc tạm ứng, thu hồi tạm ứng vốn đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng nguồn vốn NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ tại các địa phương Bộ Tài chính đã đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện việc tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng.
Theo đó, các dự án thực hiện dang dở do bị đình hoãn, giãn tiến độ hoặc dừng không triển khai thì phải phối hợp với các đơn vị liên quan trực thuộc tổ chức nghiệm thu, xác định khối lượng hoàn thành để báo cáo các bộ, ngành hoặc UBND tỉnh, thành phố bố trí vốn thanh, quyết toán cho phần khối lượng hoàn thành đã thực hiện, để thu hồi tạm ứng vốn cho NSNN. Đặc biệt là các dự án được tạm ứng từ năm 2003 trở về trước.
Tính đến tháng 4-2015, NSNN đã chuyển vốn thanh toán và tạm ứng chi theo chế độ cho các dự án 54,8 nghìn tỷ đồng, đạt 28,8% dự toán.
Thời hạn tạm ứng 12 tháng
Theo quy định của Bộ Tài chính, kể từ ngày 1-7 tới, các khoản tạm ứng cho ngân sách cấp tỉnh để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản, các dự án đã ghi trong kế hoạch năm của tỉnh, thành phố sẽ được tạm ứng vốn tối đa 12 tháng. Thời hạn rút vốn đối với các khoản tạm ứng được Bộ Tài chính phê duyệt trong năm ngân sách chậm nhất là đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách năm đó; sau thời gian chỉnh lý quyết toán, khoản tạm ứng hết hiệu lực rút vốn.
Đối với các khoản tạm ứng cho ngân sách cấp tỉnh để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng để thu hút vốn đầu tư thì thời hạn tạm ứng sẽ do Bộ Tài chính quyết định. Nhưng thời hạn rút vốn cũng chỉ tối đa trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ ngày Bộ Tài chính phê duyệt khoản tạm ứng; trường hợp rút vốn nhiều lần thì thời hạn trên áp dụng đối với lần rút vốn cuối cùng. Sau thời hạn rút vốn, khoản tạm ứng sẽ hết hiệu lực rút vốn.
Cũng từ tháng 7 tới, mức phí tạm ứng vốn KBNN được áp dụng thống nhất là 0,15%/tháng (30 ngày) tính trên số dư nợ tạm ứng. Mức phí tạm ứng quá hạn được tính bằng 150% mức phí tạm ứng trong hạn. Phí tạm ứng quá hạn được tính theo mức phí tạm ứng quá hạn và số ngày quá hạn. Trường hợp khoản tạm ứng quá hạn nhưng được Bộ Tài chính gia hạn thì vẫn được áp dụng phí trong hạn cho đến hết thời hạn được gia hạn.
Theo Bộ Tài chính, việc chấp hành chế độ báo cáo tình hình sử dụng vốn tạm ứng của các chủ đầu tư là một trong những tiêu chí để xem xét tạm ứng, gia hạn tạm ứng vốn KBNN.
Theo Báo Hải quan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn