Tín dụng nông nghiệp đã làm thay đổi diện mạo kinh tế nông thôn Hà Tĩnh
Cơ cấu dư nợ tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Chi nhánh Hà Tĩnh hiện dành 92% cho nông nghiệp, nông thôn (trong tổng số dư nợ trên 6 nghìn tỷ đồng). Khu vực tín dụng này được Agribank Hà Tĩnh tận dụng triệt để, quyết liệt.
Bà Nguyễn Thị Diên - Giám đốc Chi nhánh Agribank Hà Tĩnh khẳng định: “Chính các cơ chế chính sách của trung ương và tỉnh dành cho nông nghiệp đã tạo điều kiện tăng trưởng cho tín dụng nông nghiệp. Trong đó, Ngân hàng NN&PTNT, Chi nhánh Hà Tĩnh với nhiệm vụ phục vụ các mục tiêu chính trị của tỉnh đã quyết liệt bám dân, bám địa bàn, cải tiến thủ tục đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất cho bà con nông dân”.
Ngoài các gói cho vay ưu tiên sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, chương trình cho vay xây dựng nông thôn mới, Agribank còn tích cực triển khai các gói vay tín dụng tiêu dùng với lãi suất cạnh tranh, phù hợp với từng phân khúc khách hàng.
Nguồn vốn Agribank Hà Tĩnh II vươn đến vùng sâu, vùng xa, giải quyết nhu cầu khách hàng
Từ tháng 11/2018, kênh tín dụng nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn Hà Tĩnh được củng cố về mạng lưới khi có thêm chi nhánh cấp 1 của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Agribank Hà Tĩnh II. Chỉ sau nửa năm thành lập, cả nguồn vốn và dư nợ của ngân hàng này đều tăng, đạt 6.610 tỷ đồng vốn (tăng 600 tỷ đồng) và 6.137 tỷ đồng dư nợ (tăng gần 500 tỷ đồng). Nguồn tín dụng đã đến được với người dân vùng sâu, vùng xa nhất, phát huy dịch vụ ngân hàng tại địa phương.
Ông Nguyễn Huy Tuyên (thôn Trung Trạm, Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) nhờ vốn vay của Agribank mà từ chỉ chăn nuôi hộ, bây giờ ông đã có trang trại trên 100 con lợn thịt và nái. Những năm gần đây, chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn, song ông vẫn muốn duy trì và phát triển nghề. Ông Tuyên cho biết: “Nếu có thêm vốn, tôi sẽ củng cố lại chuồng trại, nuôi ổn định với thị trường hiện nay. Dù nhiều thăng trầm nhưng chăn nuôi lợn vẫn đưa lại kinh tế cao cho người dân nông thôn”.
Nguồn vốn chính sách giúp hàng nghìn hộ nông dân thoát nghèo
Cùng với đó, các món vay nhỏ, vốn vay chính sách đã “chảy” được đến “vùng trũng tín dụng” giúp người dân dân nông thôn xóa đói giảm nghèo, tìm kiếm việc làm, phát triển đời sống. Thông qua kênh Ngân hàng CSXH, có gần 113.000 lao động có việc làm, 102.000 hộ thoát ngưỡng đói nghèo, trên 41.000 hộ cải thiện đời sống; gần 45.000 hộ có chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn...
Một trong những thuận lợi chính là các giải pháp từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc thúc đẩy tín dụng nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, Nghị định 116/2018/NĐ-CP cho phép nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên gấp 2 lần so với mức cho vay hiện hành đối với một số đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, chính sách xử lý rủi ro đối với khách hàng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng.
Đầu tư cho nông nghiệp ngày càng cao là cơ hội để ngân hàng mở rộng tín dụng nông nghiệp
Đó cũng là lý do mà những năm gần đây, các ngân hàng, kể cả các ngân hàng cổ phần cũng chuyển mũi nhọn tăng trưởng sang nông nghiệp- nông thôn như: HD Bank, SeABank, Liên Việt... Các ngân hàng này đều dành gói tín dụng riêng cho phân khúc khách hàng ở nông thôn với những chính sách ưu đãi, lãi suất cạnh tranh nhằm khai thác tối đa thị trường tín dụng nông thôn.
Hiện nay, Hà Tĩnh xúc tiến cuộc cải cách về tái cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên cho sản xuất liên kết chuỗi, xây dựng cánh đồng lớn, các chương trình về xây dựng nông thôn mới... Cơ hội này đang tạo những đường đua để các ngân hàng “nới zoom”, bứt tốc tăng trưởng, cũng như truyền sinh lực đến cho các thành phần kinh tế một cách hiệu quả.
Theo Tuệ Anh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn