Từ 4/4/2016, người tham gia BHXH tự nguyện được đóng gộp một lần để hưởng lương hưu
Từ 4/4/2016, Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành sẽ chính thức có hiệu lực. Các chế độ quy định sẽ được áp dụng từ ngày 01/01/2016.
Theo đó, những người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện. Có thể chọn cách đóng hằng tháng, 3 tháng/lần, 6 tháng/lần, 12 tháng/lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm/lần. Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.
Để hiểu hơn quy định này, mời đọc giả cùng theo dõi tình huống giả định của chúng tôi.
Q: Ông A tháng 4/2016 đủ 60 tuổi, nhưng ông chưa đóng đủ 20 năm BHXH (mới đóng 16 năm 3 tháng tính đến thời điểm tháng 10/2016). Ông A được đóng dồn 1 lần BHXH cho những tháng còn thiếu để hưởng lương hưu?
Theo quy định, người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu (Nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) sẽ được đóng một lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Trường hợp của ông A:
Ông A có thể lựa chọn phương thức đóng 1 lần cho 3 năm 9 tháng còn thiếu.
Q: Mức đóng BHXH 1 lần của ông A là bao nhiêu khi thu nhập tháng lựa chọn đóng bảo hiểm là 3 triệu đồng?
Theo quy định, mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn.
Mức thu nhập tháng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của thủ tướng Chính phủ (hiện tại chuẩn nghèo khu vực nông thôn là 700.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (hiện tại là 23 triệu đồng) tại thời điểm đóng.
Vậy mức đóng BHXH tự nguyện hiện vào khoảng từ 154.000 đồng/tháng đến 5.324.000 đồng/tháng.
Số tiền đóng cho các năm còn thiếu sẽ áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.
Trường hợp của ông A:
Nếu ông A lựa chọn phương thức đóng 1 lần cho 3 năm 9 tháng còn thiếu với mức thu nhập tháng lựa chọn là 3 triệu đồng/tháng.
Giả định lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm 2016 là 0,826%/tháng và mức thu nhập tháng ông A lựa chọn cao hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn do Thủ tướng Chính phủ quy định tại thời điểm tháng 4/2016 (700.000 đồng).
Mức đóng BHXH tự nguyện cho 3 năm 9 tháng (45 tháng) còn thiếu của ông A sẽ là: 45 x (3.000.000 x 22%) x (1 + 0,00826) = 36.091.122 đồng.
Q: Thời điểm nào ông A có thể nhận được lương hưu?
Theo quy định, thời điểm hưởng lương hưu là ngày mùng 1 của tháng liền kề sau tháng người tham gia BHXH tự nguyện có đủ điều kiện hưởng lương hưu và đủ điều kiện về tuổi đời.
Trường hợp của ông A:
Ông A sẽ được nhận lương hưu vào ngày 1/5/2016, nếu tháng 4/2016 ông đóng đủ 36.091.122 đồng BHXH tự nguyện 1 lần cho 3 năm 9 tháng còn thiếu để đủ 20 năm.
Q: Ông A cần thực hiện những thủ tục gì để hoàn tất việc đóng BHXH và hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi?
Theo quy định, người muốn tham gia BHXH tự nguyện cần đến các đại lý thu BHXH tự nguyện tại bưu điện quận, huyện để đăng ký tham BHXH tự nguyện và hoặc được hướng dẫn làm thủ tục đóng BHXH một lần để hưởng lương hưu.
Thủ tục bao gồm tờ khai đăng ký tham gia BHXH (đăng ký lần đầu), sổ BHXH (nếu đã từng tham gia BHXH), tờ khai thay đổi thông tin người tham gia (nếu thay đổi mức đóng, phương thức đóng).
Trường hợp của ông A:
Nếu ông A có yêu cầu đóng ngay một lần cho số tháng còn thiếu trong tháng 4/2016 để giải quyết ngay chế độ hưu trí thì có thể đóng và nộp yêu cầu hưởng chế độ hưu trí tại cơ quan BHXH quận, huyện nơi cư trú.
Khi đó, ông A đã đủ 20 năm đóng và đủ tuổi đời về hưu nên sẽ được hưởng lương hưu ngay trong tháng 5/2016.
Hồng Hà
CafeBiz
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn