Theo Chi cục phát triển nông thôn Bến Tre, quá trình xây dựng NTM, Bến Tre có ba trở ngại lớn. Trước hết là, xuất phát điểm thấp. Nếu so sánh với Bộ tiêu chí quốc gia thì số tiêu chí các xã của Bến Tre trước khi xây dựng NTM đạt được đều thấp so với quy định. Trong đó đáng chú ý là hệ thống giao thông nông thôn không đủ tiêu chuẩn; điện áp phục vụ sản xuất và sinh hoạt chất lượng thấp, thiếu quỹ đất công để quy hoạch, xây dựng các công trình công cộng; tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp; hộ nghèo thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, không có nghề nghiệp còn khá lớn; môi trường ở nông thôn còn bị ô nhiễm do sản xuất và chăn nuôi...
Hai là, thiếu vốn. Theo đề án tổng thể xây dựng NTM của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, tổng nguồn vốn cần cho 124 xã là 16.232 tỷ đồng, tức là bình quân mỗi xã từ 150 tỷ đến 200 tỷ đồng. Riêng 25 xã điểm của tỉnh trong năm 2012 nhu cầu vốn là 1.477 tỷ đồng. Nhưng thực tế số vốn thực hiện chương trình trong năm 2012 chỉ có hơn 693 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách của Trung ương, tỉnh cấp hơn 160 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã gần 120 tỷ đồng, còn lại là vốn lồng ghép từ các chương trình dự án, vốn tín dụng, doanh nghiệp hỗ trợ và vốn dân đóng góp.
Ba là, năng lực quản lý và trình độ chuyên môn của một số cán bộ phụ trách xây dựng NTM còn hạn chế nên nhiều xã gặp khó khăn, lúng túng trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện. Vì vậy, đến nay ngay cả năm xã điểm dự kiến hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2013, vẫn còn nhiều tiêu chí chưa đạt chuẩn.
Ðể tháo gỡ khó khăn cho các địa phương khi xây dựng NTM, nhất là đối với các tỉnh nghèo như Bến Tre chưa tự cân đối được ngân sách, Chính phủ và các bộ, ngành cần nghiên cứu có chính sách quy định và hướng dẫn việc quản lý quy hoạch xây dựng NTM, cũng như có chính sách về vốn, khoa học công nghệ đào tạo... để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Quan tâm hỗ trợ cho các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp thông qua các chính sách khuyến nông, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất và khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Nhất là quan tâm nâng mức hỗ trợ cho các mô hình phát triển sản xuất trong chương trình xây dựng NTM. Bố trí kế hoạch về vốn hằng năm sớm vào đầu năm để địa phương chủ động xây dựng kế hoạch cho phù hợp. Sớm ban hành quy trình kiểm tra công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Cần có chính sách tín dụng trung và dài hạn phục vụ cho xây dựng NTM, tạo điều kiện thật sự để người nông dân tiếp cận được vốn vay phục vụ công tác phát triển sản xuất trong xây dựng NTM. Các ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu nên xem xét ưu tiên nguồn vốn cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Bảo đảm dư nợ cho vay đối với kinh tế nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 70% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế. Các ngân hàng cũng nên giảm bớt đầu tư cho các dự án manh mún, cục bộ, đơn ngành; gia tăng vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh doanh có sự cộng tác và điều phối đa ngành trong các hợp tác xã hoặc cụm liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng. Song song đó, các địa phương cũng có thể nghiên cứu phát triển mô hình hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để cung ứng vốn, các dịch vụ ngân hàng cho nông dân, cho khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng khép kín, gia tăng đồng bộ chuỗi giá trị trong nông nghiệp từ khâu sản xuất, gieo trồng tới chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Chính phủ hỗ trợ mua bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp cho nông dân. Thay vì hỗ trợ nông dân vay với lãi suất thấp, nên hỗ trợ nông dân mua bảo hiểm rủi ro giá cả, do mất mùa, thiên tai, dịch hại cho các sản phẩm nông nghiệp. Có như thế, rủi ro trong hoạt động đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn của các tổ chức tín dụng sẽ giảm, thúc đẩy các tổ chức này mạnh dạn hơn trong việc đầu tư vốn vào nông nghiệp, nông thôn. Cách làm này vừa tạo điều kiện phát triển thị trường bảo hiểm, vừa hỗ trợ thiết thực và đúng mục đích đối với nông dân.
Ðôi mới mạnh mẽ các định chế tài chính tại thị trường nông thôn; không ngừng cải thiện năng lực tài chính, năng lực hoạt động của các định chế này để giúp nông dân và các doanh nghiệp có quan hệ mua bán trực tiếp với nông dân tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng các nguồn vốn tín dụng. Cần ưu tiên vốn tín dụng đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn tại đồng bằng sông Cửu Long; phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp như liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, thực hiện phát triển nông - thủy sản theo tiêu chuẩn Global GAP, Viet GAP; hỗ trợ thiết lập các hệ thống thông tin về thị trường, giá cả, dự báo, giúp nông dân và doanh nghiệp có hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có lợi nhất. Có như vậy mới phát triển nông nghiệp toàn diện, giúp nông dân làm giàu, chung sức, đồng lòng xây dựng NTM.
Lam Ngọc
Nguồn nhandan.org.vn