Khó đủ đường
Đã có nhiều năm tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi theo hướng hữu cơ, đã có nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, chuỗi cung ứng sản phẩm riêng nhưng ông Nguyễn Văn Chữ - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty TNHH Nam Thành (Hà Nội) vẫn thừa nhận, phát triển các mô hình chăn nuôi hữu cơ thật sự khó như “hái sao trên trời” vì vướng phải vô vàn các điều kiện, thủ tục. Hiện, Nam Thành liên kết với các trang trại sản xuất, chế biến thịt lợn, gà đảm bảo tiêu chuẩn hữu cơ.
Kiểm tra chất lượng lúa hữu cơ tại HTX Phù Bài, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế. Ảnh: T.L
“Đầu tiên, muốn phát triển chăn nuôi hữu cơ phải có nguyên liệu hữu cơ. Nhưng để có thể chứng nhận các nguyên liệu như đậu tương, ngô được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ không hề đơn giản khi mẫu đất, nước phải đảm bảo không tồn dư hóa chất, 2 năm liền không gieo cấy gì. Điều này là cực khó. Dù thời điểm này, các loại nguyên liệu chúng tôi sử dụng đều đảm bảo được trồng theo quy trình an toàn, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào, nhưng tôi chỉ dám xác nhận sản phẩm của mình là theo hướng hữu cơ vì hiện nay để đạt được chứng nhận hữu cơ không đơn giản” – ông Chữ nói.
Đó là chưa kể, hành lang pháp lý cho NNHC phát triển gần như chưa có, ngay cả việc xin được giấy chứng nhận cho vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ cũng phải trải qua một “rừng” thủ tục nên dễ khiến doanh nghiệp nản.
Nhưng theo ông Chữ, những yếu tố đầu vào cho sản xuất hữu cơ vốn đã khó thì việc tìm đầu ra cho sản phẩm còn gian nan hơn: “Tôi đã phải đầu tư 9 tỷ đồng để xây dựng 100 chuỗi cửa hàng cung ứng sản phẩm, đồng thời tổ chức các buổi tham quan, giới thiệu sản phẩm miễn phí. Nói thật, nếu không có số vốn trong 15 năm sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi thì tôi không thể bám trụ được với con đường kinh doanh thực phẩm hữu cơ”.
Ông Phùng Văn Thu ở phường 12, TP.Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), người có 5.000m2 trồng rau theo hướng hữu cơ, cho biết, muốn sản xuất hữu cơ phải tuân thủ nghiêm ngặt “6 không” (không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không kích thích sinh trưởng, không thuốc diệt cỏ, không giống biến đổi gen, không chất bảo quả), trong khi lượng rau thu hoạch ít hơn so với canh tác bình thường. Đây chính là lý do khiến những mô hình sản xuất hữu cơ như của ông Thu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không nhiều. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, từ năm 2017, đơn vị đã triển khai một số mô hình sản xuất rau ăn lá theo hướng hữu cơ, tuy nhiên đến nay chỉ có khoảng 2ha diện tích trồng theo phương pháp này.
Trong khi đó, ông Lê Tranh – Giám đốc HTX Nông nghiệp Phù Bài (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế) cho biết, khó nhất trong sản xuất NNHC chính là làm sao thay đổi được thói quen sản xuất của nông dân từ nhiều đời nay, bởi làm hữu cơ đòi hỏi phải áp dụng những tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe.
Không nên làm ồ ạt
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, Việt Nam hiện có khoảng 76.666ha sản xuất NNHC, đứng thứ 7 châu Á và thứ 3 trong khối ASEAN.
Bến Tre là tỉnh có diện tích canh tác hữu cơ lớn nhất, với hơn 3.050ha (chủ yếu là dừa). Một số mô hình khá hiệu quả như nuôi cá tra hữu cơ tại An Giang, nuôi tôm sinh thái ở rừng ngập mặn Cà Mau đã có chứng nhận hữu cơ với diện tích khoảng 10.000ha, xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Có 33 cơ sở sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ, tức là mới chú trọng đến sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, với gần 1.200ha lúa, 90ha rau, hơn 284ha nho và 79ha táo.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho rằng, sản xuất hữu cơ không phải là phương thức sản xuất có thể triển khai ồ ạt trên diện rộng vì đây chỉ là một nhánh mang tính đặc thù trong sản xuất nông nghiệp an toàn và chỉ phục vụ cho một phân khúc thị trường có yêu cầu cao về chất lượng. Quan trọng nhất vẫn là đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tuân thủ, minh bạch trong quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng. |
Tuy vậy, xét trên tổng diện tích đất nông nghiệp 26,8 triệu ha thì diện tích sản xuất NNHC của cả nước còn khiêm tốn...
Việt Nam đã có tiêu chuẩn chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm hữu cơ; trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ cho một số sản phẩm như: Gạo, chè, sữa; nhưng chưa có tiêu chuẩn đối với các sản phẩm thủy sản, dược liệu, mỹ phẩm, rau, quả, cà phê, hồ tiêu...; chưa có danh mục vật tư nông nghiệp đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… được phép sử dụng trong sản xuất NNHC.
Theo bà Trần Thị Loan - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn (Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp), khó khăn, bất cập trong sản xuất NNHC hiện nay của Việt Nam là quy mô sản xuất mới chỉ ở dạng mô hình nhỏ lẻ, chưa có vùng tập trung, sản phẩm ở dạng đơn lẻ…
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường là yếu tố quyết định đến sự thành bại của việc sản xuất NNHC, vì vậy, phát triển lĩnh vực này là cần thiết nhưng không cần nóng vội và nhảy vọt. Nguyên nhân là vì sản xuất NNHC có những điều kiện nghiêm ngặt, sản phẩm hữu cơ có giá thành cao nên giá bán rất cao so với sản phẩm sạch và an toàn sản xuất theo VietGAP hay GlobalGAP. Một người thu nhập trung bình hay thấp khó có điều kiện để mua. Không phải nơi nào cũng có thể sản xuất vì điều kiện đất đai, nguồn nước phải đảm bảo, phải được quản lý, kiểm soát và phải tách biệt với vùng sản xuất truyền thống để tránh vấy nhiễm.
Vì vậy, chỉ nên sản xuất NNHC khi có đơn đặt hàng, có sự kết nối giữa người sản xuất với doanh nghiệp. Từ thực tế này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng, NNHC cần có bước đi phù hợp, không phát triển tràn lan.
Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Xây dựng được hệ thống phân phối sản phẩm Qua khảo sát của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho thấy, tiềm năng phát triển NNHC của Việt Nam tương đối lớn, hiện đã có 40 tỉnh, thành phố có mô hình sản xuất NNHC trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, để có thể thực hiện tốt đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020 – 2030, các địa phương cần sớm quy hoạch vùng có thể sản xuất hữu cơ vì những đòi hỏi về đất, nước, môi trường của tiêu chuẩn này rất cao. Trong các giải pháp để triển khai hiệu quả đề án, chúng tôi sẽ chú trọng đến giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia phát triển NNHC. Cùng với đó là xây dựng được hệ thống phân phối sản phẩm trên phạm vi cả nước để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước đang tăng cũng như hướng đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, sẽ có giải pháp quản lý chặt các tổ chức cấp giấy chứng nhận để đảm bảo sự minh bạch. Khảo sát cho thấy, thị trường của các sản phẩm hữu cơ đang rất rộng mở, chỉ tính riêng châu Âu, mỗi năm nhập khẩu tới 10 tỷ USD sản phẩm hữu cơ. Nếu xác định được đúng sản phẩm lợi thế, chú trọng liên kết sản xuất hữu cơ, chắc chắn nông sản Việt Nam sẽ chinh phục được những thị trường khó tính này. Ông Olivier Catrou - Viện Quốc gia về xuất xứ và chất lượng (Bộ Nông nghiệp Pháp): Cần sớm ban hành quy trình sản xuất Muốn mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ, Việt Nam cần có quy trình sản xuất NNHC để nông dân có thể sản xuất với số lượng lớn. Người nông dân có thể sản xuất đúng quy trình nhưng nếu chưa được chứng nhận thì cũng rất khó bán ra thị trường. Vai trò quản lý nhà nước là cung cấp thông tin, hệ thống cấp, quản lý chứng nhận; hỗ trợ nông dân sản xuất và chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Tiềm năng Việt Nam xuất khẩu nông sản hữu cơ sang châu Âu rất lớn vì các sản phẩm hai bên bổ sung cho nhau. Thị trường nông sản hữu cơ ở châu Âu rất lớn nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để người tiêu dùng tin tưởng sử dụng để có thể xuất khẩu vào châu Âu. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ mở ra tiềm năng để phát triển mạnh lĩnh vực này cho cả hai bên. Điều quan trọng là các nhà xuất khẩu cần trực tiếp đến châu Âu để tìm hiểu, biết được họ cần gì và cần phải đáp ứng như thế nào. Khánh Nguyên (ghi) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn