Ước tính lượng bao bì, vỏ đựng thuốc chiếm khoảng 10% khối lượng tổng số thuốc tiêu thụ; số lượng bao bì, vỏ đựng thuốc bảo vệ thực vật lên tới hàng chục nghìn tấn mỗi năm. Lượng bao bì này không được thu gom đã gây ô nhiễm môi trường nước mặt, nước ngầm, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Thông tin này vừa được ông Đinh Vũ Thanh, Phó Vụ trưởng Khoa học, Công nghệ và Môi trường đưa ra tại hội nghị “Tổng kết công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2015” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 16-10, tại Hà Nội.
Hiện nay tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp đang có xu hướng gia tăng, thiếu kiểm soát. Đặc biệt là việc sử dụng phân bón không hợp lý về chủng loại, liều lượng, thời gian và phương thức bón cho cây trồng đã gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường.
Bình quân tổng lượng phân bón vô cơ các loại sử dụng tại Việt Nam vào khoảng 2,4 triệu tấn/năm và thải ra môi trường 240 tấn bao bì, vỏ hộp các loại ra môi trường không được thu gom, vứt bừa bãi ra ruộng đồng, kênh mương đã gây ô nhiễm môi trường trong vùng sản xuất nông nghiệp.
Điều đáng lưu ý là “việc sử dụng phân bón không hợp lý về chủng loại, liều lượng cùng với việc lạm dụng phân bón vô cơ trong thời gian gần đây đã khiến đất bị chai cứng, giữ nước kém, màu mỡ của đất và năng suất cây trồng giảm” ông Thanh nói.
Thừa nhận thực trạng trên, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng khẳng định, môi trường nông thôn đang bị ô nhiễm nặng nề. Đặc biệt, trong một số lĩnh vực sản xuất (như trồng lúa ở các vùng đồng bằng) còn có hiện tượng nông dân sử dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật, cũng như phân bón đã gây ô nhiễm môi trường nước, thoái hóa đất đai.
Đơn cử như tại tỉnh Lâm Đồng, quá trình đầu tư thâm canh sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực chưa đúng kỹ thuật và đổ thải ra môi trường đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái địa phương. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, chỉ tính riêng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường, hàng năm tại địa phương này ước tính có khoảng 1.000 tấn.
Trong khi đó, theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật, thời gian qua, nhiều địa phương vẫn chưa thể thu gom bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng vào một địa điểm để xử lý, mà vứt bừa bãi trên đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Thêm vào đó, nguồn kinh phí tiêu hủy thuốc, bao gói thuốc sau sử dụng cũng chưa được giao cụ thể, trong khi một số địa phương chưa chủ động tìm kiếm kinh phí để xử lý.
Trước thực tế nêu trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu toàn ngành, các địa phương và doanh nghiệp xây dựng các kế hoạch cụ thể về bảo vệ môi trường; tiếp tục nghiên cứu và chuyển giao cho nông dân cũng như hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp kỹ thuật về bảo vệ môi trường trong trồng trọt, phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu các địa phương duy trì kinh phí để thực hiện việc thu gom, tiêu hủy thuốc, bao gói thuốc bảo vệ thực vật; khuyến khích cũng như hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân trong việc tiếp cận các mô hình sản xuất sạch, từng bước giảm thiểu sử dụng hóa chất bảo vệ thực vât để không làm tổn hại môi trường”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Nguồn: Thông tấn xã Việt NamNhững tin mới hơn
Những tin cũ hơn