Hiện nay, duy nhất Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh được phê duyệt
xây dựng cánh đồng lớn ở Hà Tĩnh
Kết thúc vụ xuân 2019, Tập đoàn Giống cây trồng Thái Bình (Thái Bình Seed) sau khi thử nghiệm một số giống lúa trên một số vùng canh tác ở Hà Tĩnh đã ngỏ ý muốn được “bắt tay” với Đức Thọ xây dựng cánh đồng lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi khép kín. Doanh nghiệp cung ứng từ vật tư đầu vào đến đầu ra bằng hợp đồng liên kết, địa phương phải lựa chọn vùng sản xuất đủ quy mô, đạt yêu cầu về thâm canh tốt và đầu mối liên kết HTX.
Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT Thái Bình Seed thẳng thắn: “Canh tác manh mún thì rất khó cho hiệu quả sản xuất cao. Thái Bình Seed muốn xây dựng mô hình sản xuất liên kết theo hướng tích tụ ruộng đất với diện tích 200 ha”.
Đáp lại nhu cầu của doanh nghiệp, Đức Thọ vẫn gặp “thế bí”. Rào cản lớn nhất vẫn là tập quán sản xuất của bà con nông dân. Mặc dù là địa phương có trình độ thâm canh cao, đất đai nhiều lợi thế cho trồng lúa, tuy nhiên, tổ chức sản xuất vẫn là tiểu nông.
Ông Đặng Giang Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho hay: “Thực tế ở địa phương việc hấp thu các chính sách vẫn chưa đạt yêu cầu. Ở Đức Thọ, rất nhiều diện tích chỉ sản xuất một vụ lúa và vẫn tồn tại tình trạng bỏ hoang trong vụ hè thu. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đặt vấn đề thuê lâu dài thì gần như bà con không đồng ý”.
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm
Không phải chỉ ở Đức Thọ, thực trạng này diễn ra gần như ở tất cả các địa phương. Người nông dân chưa thoát được tư duy về sở hữu tư liệu sản xuất, tư duy quản trị sản xuất hàng hóa với đầu mối không phải là những hộ nông dân mà phải là HTX. Còn doanh nghiệp, hoặc chỉ mới đảm nhiệm được khâu cung ứng giống, hoặc chỉ liên kết được một khâu trong chuỗi giá trị hàng hóa.
Điều này khiến cho ngành nông nghiệp Hà Tĩnh gần như đã không với tới được chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, chỉ duy nhất doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh được tỉnh phê duyệt đủ điều kiện sản xuất cánh đồng lớn và chuỗi giá trị liên kết hướng tới mục tiêu xuất khẩu nông sản và tiêu dùng nội địa theo hướng VietGAP.
Theo đó, doanh nghiệp này đã cung ứng giống, phân bón và thu mua sản phẩm tại các địa phương: Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Kỳ Anh với các loại giống: J02, TBR279, DQ11, Khang dân 18, Bắc Hương 9...
Ông Phan Văn Huân - Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh cho biết: “Mô hình cánh đồng lớn là chủ trương đúng đắn của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị rất hữu hiệu nhưng tại Hà Tĩnh rất khó mở rộng. Một mặt hình thức sản xuất không đủ để với tới các chính sách, doanh nghiệp thiếu vốn, trong khi người nông dân còn dè dặt nên việc tích tụ ruộng đất, đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật gặp khó khăn”.
Hàng nghìn héc-ta "bờ xôi ruộng mật" vẫn bị bỏ hoang vào vụ hè
thu do còn thiếu một phương thức sản theo tư duy mới.
Trước đây, cánh đồng lớn có giai đoạn đã nổi lên như một phong trào. Thậm chí, những cánh đồng 400 ha một giống tại Cẩm Bình đã kỳ vọng sẽ là “viên gạch đầu tiên” cho nền sản xuất mới. Thế nhưng, cuối cùng, mối liên kết thiếu bền vững, sản xuất duy trì nhỏ lẻ đã phá vỡ và thu hẹp dần mô hình sản xuất này.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, điều quan trọng nhất vẫn là tư duy. Trong lúc doanh nghiệp cần vùng nguyên liệu lớn thì người nông dân cần tổ chức lại sản xuất, xóa bỏ làm ăn nhỏ lẻ sang xây dựng các HTX đủ mạnh hợp tác với DN để được cung ứng vật tư đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cả đầu ra ổn định cho sản phẩm bằng các hợp đồng liên kết. Thậm chí, các DN còn đầu tư hệ thống thủy lợi khoa học để giúp tăng năng suất cũng như chất lượng theo nhu cầu thị trường xuất khẩu.
Theo N.O/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn