Việc sớm có hướng dẫn thành lập, tổ chức và hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở địa phương sẽ giúp hoàn thiện hệ thống các quỹ từ trung ương đến địa phương, từ đó có căn cứ để mở rộng hơn nữa các hoạt động hỗ trợ HTX, tổ hợp tác và liên hiệp HTX, góp phần đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng tôi xin đề xuất một số cơ chế tổ chức, hoạt động chủ yếu của các quỹ như sau:
- Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, hoạt động theo nguyên tắc thị trường, có trọng tâm, trọng điểm với đối tượng ưu đãi chính là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất các sản phẩm chủ lực vùng miền, sản phẩm chủ lực quốc gia.
- Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương do Thủ tướng Chính phủ thành lập, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX địa phương do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập. Khi có nhu cầu thành lập Quỹ ở địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố giao Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh lập đề xuất đề án. Giao Ngân hàng Nhà nước cấp tỉnh thẩm định đề án.
- Liên minh HTX Việt Nam là cơ quan quản lý, điều hành hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trung ương. Liên minh HTX các tỉnh, thành phố là cơ quan quản lý, điều hành hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX địa phương.
- Vốn điều lệ tối thiểu của quỹ khi mới thành lập khoảng 10 tỷ đồng đổi với các địa phương khó khăn và 100 tỷ đồng cho các tỉnh điều tiết về ngân sách trung ương. Ngoài ra, cần có lộ trình bổ sung vốn hàng năm để đạt mức quy định tối thiểu.
- Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Vì vậy, đề nghị mở rộng thêm các nguồn tự huy động, đóng góp, tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân và nguồn ngân sách Nhà nước khác để tạo điều kiện cho Quỹ huy động mọi nguồn lực, cùng với Ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển.
- Hoạt động của Quỹ vừa thực hiện chức năng hỗ trợ ưu đãi từ nguồn ngân sách nhà nước, vừa đẩy mạnh tiếp cận các nguồn lực và cho vay theo cơ chế thị trường. Cần đảm bảo an toàn, tránh đổ vỡ khi thực hiện các nghiệp vụ mang nhiều rủi ro hoặc tạo cơ chế xin cho, nảy sinh tiêu cực.
- Ngoài đối tượng hỗ trợ ưu đãi và bảo lãnh tín dụng của Quỹ là các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đề nghị bổ sung đối tượng là tổ hợp tác do tổ hợp tác là đối tượng thuộc lĩnh vực kinh tế tập thể đang hoạt động hiệu quả, an toàn rất cần được hỗ trợ về vốn.
- Mở rộng phạm vi hỗ trợ là HTX hoạt động trong tất cả các lĩnh vực, địa bàn, trong đó ưu tiên cho các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, địa bàn nông thôn, sản xuất các sản phẩm chủ lực vùng miền, sản phẩm chủ lực quốc gia.
- Cơ chế hỗ trợ thực hiện theo quy định của pháp luật theo hướng tối giản hóa để phù hợp với mặt bằng trình độ, năng lực của cán bộ HTX, tổ hợp tác là những đối tượng có trình độ còn hạn chế. Mở rộng phương thức cho vay tín chấp, không cần tài sản đảm bảo đối với HTX hoạt động hiệu quả, dự án hiệu quả, khả thi.
- Tăng cường liên kết hệ thống giữa các quỹ về quản trị hoạt động, đào tạo, công nghệ, tiếp cận nguồn lực từ thị trường, hỗ trợ vốn thông qua ủy thác, hệ thống thông tin, báo cáo, trong đó Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương giữ vai trò đầu mối liên kết, hướng dẫn, tư vấn và phối hợp cùng Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX địa phương nhằm sử dụng hiệu quả tổng nguồn vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống.
- Có phương án trích một phần từ chênh lệch thu chi của quỹ để sử dụng vào mục đích hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX như: Tư vấn hỗ trợ các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác lập dự án, hồ sơ vay vốn, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ quản lý HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác, xây dựng các mô hình hợp tác xã, liên hiệp HTX sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, tổ chức diễn đàn, hội chợ, xúc tiến thương mại cho HTX, liên hiệp HTX.
Theo Nguyễn Văn Đoàn/vca.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn