hâu.
Trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap của HTX Anh Đào. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Trở lại Đà Lạt vào những ngày chớm xuân, không khí vùng đất cao nguyên chào đón chúng tôi bằng những bụi hoa rực rỡ ven đường và mưa lất phất bay. Chiếc xe bám đầy bụi sau một chuyến đi dài đưa đoàn phóng viên băng rừng núi đến với hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào. Không chỉ thành công trong việc áp dụng mô hình kiểu mới và trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP mà rau của Hợp tác xã Anh Đào còn tự hào “khoe hàng” với bạn bè năm châu.
Chiều dần buông trên cao nguyên đất đỏ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Anh Đào Co.op Nguyễn Công Thừa vẫn đăm chiêu trên căn gác tại văn phòng hợp tác xã. Mở lời với chúng tôi về thủa ban đầu khởi nghiệp, ông Nguyễn Công Thừa chia sẻ: Có được cơ ngơi bây giờ của hợp tác xã là giấc mơ xa xỉ của ông và một số thành viên khác khi mới tập tọe ý tưởng hùn hạp làm ăn. Đến thời điểm này, việc xây dựng hợp tác xã kiểu mới không chỉ là câu chuyện thay tên mà là cả một chủ trương đúng đắn và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Là một nhà nông chính hiệu, lớn lên trên đồng ruộng gia đình, cũng như bao người khác ở cao nguyên Lâm Đồng, ông Nguyễn Công Thừa đã chứng kiến và luôn canh cánh việc làm nông manh mún, phập phồng từ khâu canh tác đến đầu ra sản phẩm của nông dân
Xuất phát từ thực tế này mà sau khi “nâng cấp” tấm bằng cử nhân kinh tế, học hỏi kinh nghiệm ở xứ người, ông đã quyết định về quê lập nghiệp với 3 người bạn và diện tích “góp vốn” khoảng 7 ha.
Tuy nhiên, do kinh nghiệm chưa có cộng thêm không có thị trường tiêu thụ nên mô hình Tổ liên kết vẫn chỉ loanh quanh ở mức sản xuất nhỏ lẻ và chưa định hướng được hướng đi mới.
Sau 4 năm tích lũy kinh nghiệm, với những lần thất bại cay đắng của những hợp đồng lớn, ông Nguyễn Công Thừa tiếp tục vận động thêm 3 thành viên mới gây dựng nên Anh Dao Co-op, với vốn góp 100 triệu đồng, cùng 12 ha đất sản xuất.
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp hợp tác xã rau sạch, ông Nguyễn Công Thừa không khỏi bùi ngùi xúc động trước việc ai cũng hăm hở vui mừng vì thị trường lúc đó đang “sốt” hàng rau củ an toàn và mục tiêu hướng tới là phải đưa sản phẩm vào các siêu thị và tìm đường xuất khẩu.
Niềm vui "chưa tày gang" thì đã bị "đánh tụt" bởi hàng ngàn cái lắc đầu với lý do là không thể phân biệt rau an toàn với rau thông thường. Chính vì vậy, thời gian này, hợp tác xã liên tục “bơi” trong vòng luẩn quẩn “được mùa, mất giá” nhưng các xã viên vẫn tâm niệm với nhau “phải thành công từ việc làm rau tử tế”.
Đóng gói sản phẩm tại HTX Anh Đào. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Chọn lối đi riêngHạnh phúc đã không ngoảnh mặt với những người nỗ lực và làm việc chân chính, năm 2008 cơ duyên đã đến với “rau Anh Đào” bởi tiêu chuẩn VietGAP đã “lọt mắt xanh” của hệ thống Co.opMart. Không cần phải tô vẽ cho sản phẩm, mỗi ngày các xe ô tô đến và chở đi 1,5 tấn rau củ các loại dù giá còn cao hơn rau sản xuất kiểu truyền thống từ 10-15%.
Với con mắt nhìn xa trông rộng và thấy được tiềm lực của hợp tác xã, hệ thống Co.opMart còn ký tiếp hợp đồng chiến lược và ứng trước 10 tỷ đồng mỗi năm không tính lãi, để Anh Dao Co-op yên tâm sản xuất.
Từ thời điểm này thị trường bắt đầu rộng mở, Ban quản trị hợp tác xã đã tính chuyện dài hơi và hợp đồng liên kết làm ăn lần lượt nối dài khiến hợp tác xã Anh Đào Co-op cứ thế vươn xa.
Giờ đây, Anh Dao Co-op đã “bắt tay” với hàng trăm nông hộ, mở rộng diện tích sản xuất rau tiêu chuẩn VietGAP lên 270 ha. Tất cả đều sản xuất theo quy trình chuẩn cùng sự hỗ trợ kỹ thuật canh tác, giống, vật tư của hợp tác xã Anh Đào, với thu nhập bình quân đạt 500 triệu đồng/ha/năm và cung cấp rau sạch cho 53 tỉnh thành trên cả nước.
Bấm nút để những tia nước trắng xóa phà nhẹ xuống vườn rau, ông Huỳnh Văn Tám- một trong những “đối tác” làm ăn của Anh Dao Co-op cho biết, sau những khó khăn ban đầu, giờ đây toàn bộ sản phẩm đều được hợp tác xã bao tiêu, giá cả rất ổn định.
Không chỉ vậy, sản phẩm còn được hợp tác xã thu mua tận chân ruộng, không còn thấp thỏm với điệp khúc “được mùa, mất giá” và cuộc sống của thành viên hợp tác xã đã trở nên khấm khá hơn nhiều.
Từ những cố gắng của Ban quản trị và bà con nông dân, từ một hợp tác xã yếu kém chỉ có vốn 100 triệu đồng năm 2003 đến nay vốn điều lệ đã hơn 90 tỷ và doanh thu hàng năm đạt 220 tỷ đồng/năm.
Hiện nay, sản lượng của đơn vị không đủ để cung cấp cho thị trường trong nước và nhiều đơn vị nước ngoài cũng đang tập trung chú ý đến. Đó là một quyền lợi và nền tảng rất lớn bên cạnh chuỗi liên kết hàng hóa quy mô lớn mang lại.
Song song với thành tựu đã đạt được, ông Nguyễn Công Thừa cho biết vẫn còn nhiều khó khăn khi vận hành hợp tác xã đúng chuẩn mô hình kiểu mới. Đơn cử như Luật Hợp tác xã 2012 ra đời quy định tỷ lệ 32-68, nghĩa là không được cung cấp ra bên ngoài quá 68%. Điều này đã gây không ít hạn chế đối với hợp tác xã trong quá trình sản xuất và tiêu thụ.
Hơn nữa, dù đã có nhiều mô hình hợp tác xã chuyển đổi thành công nhưng nhiều người vẫn chưa nghĩ thoáng về hợp tác xã. Dù khó khăn nhưng các xã viên cũng không chùn bước mà từ những khó khăn lại nảy ra cách làm khác hợp lý và hiệu quả hơn.
Như con thuyền no gió, giờ đây mục tiêu của hợp tác xã hướng tới là tập trung kết nối mạnh hơn chuỗi giá trị, mã hóa bao bì, chế biến sản phẩm để cùng một diện tích sản xuất mà giá trị lợi nhuận nâng cao.
So với 15 năm trước, Hợp tác xã Anh Đào giờ đây đủ lớn và tự tin để chọn đối tác để cung cấp chứ không phải là đối tác chọn hợp tác xã như trước kia. Đáng tự hào là 80% xã viên đã có nhà cao tầng, xe hơi và có thể vừa uống cà phê vừa ở nhà sản xuất, họp hành qua mạng internet.
Trời đã về chiều, hoàng hôn đã buông và sương cũng đã bao phủ khắp dải cao nguyên xứ lạnh. Thế nhưng, với cái bắt tay rất chặt, nụ cười khảng khái và ánh mắt sáng trưng của vị chủ tịch hội đồng quản trị hợp tác xã hi vọng rau “tử tế” của hợp tác xã Anh Đào sẽ nâng chất thương hiệu và vươn xa hơn trên trường quốc tế./.
Theo Uyên Thương/bnews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn