Chưa hết những khó khăn do sự cố môi trường, nhưng HTX Thu mua, chế biến thủy sản Tiến Thắng (thôn Tiến Thắng) đã và đang nỗ lực duy trì và phát triển nghề thu mua, chế biến hải sản truyền thống. Hơn một năm trở lại đây, mỗi ngày HTX thu mua và chế biến gần 10 tấn cá, chủ yếu là của bà con ngư dân tại địa phương.
Đến thời điểm này HTX có 2 cơ sở sản xuất với diện tích hàng ngàn m2 sân phơi cá và đặt hệ thống sản xuất nước mắm. Sản phẩm khô và nước mắm của HTX làm ra được khách hàng ưa chuộng và được tiêu thụ tại nhiều thị trường trên toàn quốc. Với 8 thành viên tham gia góp vốn sản xuất, kinh doanh, hiện nay HTX đang giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động với thu nhập bình quân từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.
“Bên cạnh phát huy sức mạnh nội lực, chúng tôi vừa được chính quyền quan tâm hỗ trợ lắp đặt hệ thống lọc nước mắm bằng năng lượng mặt trời và một số chính sách khuyến khích khác nên rất yên tâm để sản xuất. Cùng với nâng cao được lợi nhuận cho đơn vị, HTX luôn ý thức góp phần thu mua hải sản cho bà con ngư dân trên địa bàn” - Giám đốc HTX Thu mua và chế biến thủy sản Tiến Thắng- chị Đặng Thị Luận cho biết.
Kỳ Ninh có gần 10 cơ sở có quy mô thu mua và chế biến hàng chục tấn hảy sản/ngày và hàng chục cơ sở nhỏ lẻ, hiện đang hoạt động sôi nổi và phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm thường xuyên và thời vụ cho nhiều lao động trên địa bàn. Đặc biệt hầu hết các HTX, tổ hợp tác và cơ sở hoạt động trên lĩnh vực thu mua và chế biến thủy sản ở Kỳ Ninh đều “sống sót”, vượt qua và vươn lên khá mạnh mẽ từ "cơn bão" sự cố môi trường biển.
Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng của xã Kỳ Ninh đạt trên 3.000 tấn, trong đó, các cơ sở dịch vụ hậu cần tại địa phương đã thu mua trên 2.000 tấn hải sản các loại để chế biến ra các sản phẩm như: nước mắm, ruốc, cá khô, mực khô…
“Mặc dù chưa trở lại được với số lượng sản phẩm và giá cả như trước, nhưng các mặt hàng làm ra đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng và tiêu thụ hết. Nếu trong thời gian tới, thị trường tiếp tục được cải thiện và có sự hỗ trợ tích cực của địa phương thì chúng tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao thu nhập, giải quyết thêm việc làm và thu mua sản phẩm cho ngư dân” - Tổ trưởng hợp tác thu mua và chế biến thủy sản thôn Tam hải 1 - Nguyễn Thị Ninh cho biết.
Xã Kỳ Ninh hiện có 104 ha diện tích nước lợ, 30 ha nước ngọt, hơn 100 hộ nuôi trồng thủy hải sản như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, hàu, cá lồng bè… Cùng với đó, lĩnh vực đánh bắt của Kỳ Ninh cũng khá phát triển với trên 300 tàu thuyền các loại, trong đó có 2 tàu vỏ thép công suất gần 1.000 CV/chiếc, 15 tàu có công suất trên 90 CV.
Toàn xã có trên 50% số hộ dân tham gia nghề khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản. Hàng năm xã thu về hàng nghìn tấn thủy, hải sản các loại. Đây cũng chính là nguồn lực rất quan trọng, tạo điều kiện để các dịch vụ thu mua và chế biến thủy, hải sản của Kỳ Ninh phát triển nhanh và bền vững...
“Đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản sẽ phát triển mạnh nếu có các dịch vụ hậu cần nghề cá, đặc biệt là lĩnh vực thu mua và chế biến phát triển. Vì vậy, bên cạnh có các giải pháp hỗ trợ phát triển nghề đánh bắt nuôi trồng, địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích người dân củng cố, phát triển nghề chế biến hải sản truyền thống, từng bước hoàn thiện dịch vụ hậu cần nghề cá tại chỗ để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân” - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Ninh Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
Theo Vũ Viễn/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn