Hệ thống canh tác lúa, tôm rất thuận lợi để phát triển sản phẩm hữu cơ và an toàn |
Tham dự hội thảo có các tập đoàn, công ty như Minh Phú, Gentraco, VinaCam, Đại Dương Xanh, XNK Kiên Giang, DNTN Hồ Quang Trí, HTX Tôm - Cua - Lúa Thạnh An… đang sản xuất, kinh doanh và quan tâm đến sản phẩm tôm - lúa hữu cơ.
Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, mục đích của hội thảo nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư cũng như các mô hình kinh doanh mang lại lợi ích cho người nông dân thu nhập thấp và doanh nghiệp tại tỉnh Kiên Giang; xây dựng thỏa thuận, kế hoạch đối tác công tư; vận động chính sách hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững…
Tại buổi hội thảo, TS Nguyễn Công Thành (Viện KHKT NN miền Nam) đã trả lời câu hỏi lý do tại sao phải làm nông nghiệp hữu cơ? Đó là, năng suất thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao, mang lại nhiều lợi ích về môi trường, xã hội, là xu thế, cơ hội đầu tư cho cả nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, làm nông nghiệp hữu cơ cũng có những thách thức, nông dân chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, là thị trường đầu ra chưa ổn định, người tiêu dùng thiếu lòng tin vào sản phẩm...
Th.S Lâm Thái Xuyên, Giám đốc Cty CP Xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú cho biết, làm nông nghiệp hữu cơ phải tuân theo quy trình khắt khe, phải có thời gian chuyển đổi nhất định, thiếu nhân sự am hiểu về quy chuẩn hữu cơ. Để phát triển làm tôm hữu cơ, Minh Phú gặp không ít khó khăn, thâm chí thời gian đầu phải chấp nhận bị lỗ... Dự kiến, năm 2018 Minh Phú sẽ phát triển 7.000ha tôm rừng đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, Th.S Hoàng Trung Kiên nhấn mạnh: “Việc hợp tác công tư nhằm khai thác tối đa thế mạnh, sử dụng có hiệu quả nguồn lực mỗi bên để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu quả hoạt động của mỗi bên trong việc phát triển chuỗi liên kết tại địa phương”.
Kiên Giang đang triển khai “Xây dựng mô hình lúa an toàn và hữu cơ giai đoạn 2018 - 2023”, quy hoạch tại địa bàn 2 huyện An Minh và Hòn Đất. Dự kiến tại An Minh sẽ có 100 hộ tham gia với diện tích 100ha làm lúa theo tiêu chuẩn Organic (Cty Gentraco tham gia thực hiện); huyện Hòn Đất có 250 hộ tham gia làm lúa tiêu chuẩn SRP, GAP với diện tích 500ha (Cty LotusRice); 1.500 - 2.000ha của 1.000 hộ làm lúa GAP (Cty VinaCam)... Các công ty cam kết thu mua lúa của hộ nông dân với giá cao hơn thị trường là 150 đồng/kg đối với dự án SRP và ít nhất 30% đối với lúa hữu cơ. Ngoài ra, nếu mẫu kiểm tra đạt yêu cầu sẽ được chi thưởng thêm 150 đồng/kg. Các hợp tác xã tham gia được phía công ty chi trả chi phí quản lý là 50.000 đồng/tấn lúa thương phẩm.
Tại hội thảo, đại diện Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, Sở NN-PTNT Kiên Giang và các doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ để triển khai thực hiện đối tác công tư về liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa - tôm hữu cơ và an toàn trong thời gian tới. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn