Chị Miện kể về nghề thu mua, chế biến hải sản bắt đầu từ những ký ức về làng biển quê hương |
Sinh ra trong một gia đình nhiều đời nối nhau làm nghề biển ở xã Kỳ Khang, chị đã sớm khởi nghiệp từ việc thu mua sản phẩm đánh bắt của ngư dân.
“Từ lúc trưởng thành, tôi đã luôn suy nghĩ, tại sao sản phẩm của ngư dân mình mang về sau những ngày vất vả và hiểm nguy giữa biển lại khó tiêu thụ đến thế. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh những con thuyền đầy khoang, cá tươi như lội mà không có người mua. Bà con ngư dân phải đong từng mủng cá để đổi muối, đổi gạo.
Lớn thêm chút nữa, tôi chứng kiến những tiểu thương từ nơi khác tìm đến thu mua cá với giá rẻ như bèo. Vậy là tôi quyết định đi buôn cá, không phải là bán quanh quẩn trong làng, trong xã mà phải mở rộng địa bàn để có giá trị cao hơn, thu mua sản phẩm cho bà con được nhiều hơn”.
Người phụ nữ miền biển khởi nghiệp bởi niềm trăn trở: “Cá tươi như lội sao
lại không có người mua”
Năm 1992, chị Miện lấy chồng, cũng là một ngư dân ở làng biển xã Kỳ Phú và sinh được 3 người con trai, đều theo cha làm nghề biển.
Mang theo nghề thu mua hải sản về nhà chồng, chị đã trở thành “hậu cần” cho những chuyến ra khơi không chỉ của gia đình mà cho cả bà con ngư dân trong xã Kỳ Phú với các đầu mối tiêu thụ lớn khắp trong và ngoài tỉnh, đưa số lượng thu mua, tiêu thụ lên đến hàng trăm tấn cá/năm.
Theo những chuyến hàng tiêu thụ hải sản đi nhiều nơi, chị Miện có dịp quan sát, tìm hiểu nghề chế biến thủy sản với quy mô lớn tại nhiều đối tác mua hàng ở khắp trong và ngoài tỉnh.
Sau những chuyến đi đó, chị không khỏi trăn trở: “Một kg cá cơm của làng biển Kỳ Phú chỉ được mua với giá 5 ngàn đồng, sau khi chế biến ra thành phẩm nước mắm, giá trị của mặt hàng tăng lên hàng chục lần. Tại sao không chế biến ngay những sản phẩm của ngư dân mình đánh bắt được để thu được giá trị kinh tế cao hơn?”.
Với trăn trở đó, năm 2004, chị Miện quyết định “cắp sách” đi học nghề ở một cơ sở chế biến nước mắm nổi tiếng ở Quảng Bình - là khách hàng mà chị thường xuyên cung ứng nguyên liệu.
Năm 2005, chị Miện thuê thợ Quảng Bình về đổ 50 bể sành và trực tiếp cầm tay chỉ việc cụ thể quy trình chế biến nước mắm hiện đại. |
Vừa tiếp thu kiến thức chế biến mới, vừa đúc kết kinh nghiệm muối nước mắm truyền thống của các vùng quê biển ở Kỳ Anh, chị Miện ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm; nước mắm của gia đình chị nổi tiếng với hương vị thơm ngon đặc trưng.
Thời điểm đó, cơ sở làm nước mắm với quy mô như chị Miện còn rất hiếm hoi nên sản phẩm làm ra không khó tiếp cận thị trường tiêu thụ.
HTX lắp đặt hệ thống thiết bị sản xuất nước mắm bằng công nghệ năng lượng mặt trời
Năm 2006, xã vận động chị Miện đứng ra thành lập và đứng chủ Hiệp hội chế biến nước mắm, tập hợp 30 thành viên hộ chế biến quy mô nhỏ; quy mô chế biến nâng lên 120 bể sành; mỗi năm thu mua 50 tấn cá các loại, chế biến hàng chục ngàn lít nước mắm.
Đến năm 2013, Hiệp hội chuyển đổi hình thức tổ chức sang tổ hợp tác với 15 thành viên và năm 2014, phát triển thành HTX Thu mua và Chế biến thủy sản Kỳ Phú.
HTX Thu mua và Chế biến thủy sản Kỳ Phú thu mua gần 1 ngàn tấn sản phẩm/năm, mỗi năm chế biến 400 tấn cá nguyên liệu sản xuất ra hơn 16 ngàn lít nước mắm, tiêu thụ khắp thị trường trong và ngoài tỉnh. |
2 năm sau đó, với nỗ lực lớn của nữ giám đốc, HTX đã chính thức có một cơ ngơi sản xuất riêng với quy mô hơn 2 ngàn m2, được đầu tư hạ tầng chế biến thủy sản khá đồng bộ ở thôn Phú Hải.
HTX Thu mua và Chế biến thủy sản Kỳ Phú đã huy động hơn 1,5 tỷ đồng vốn để xây dựng hàng rào, khu vực đóng gói và bảo quản sản phẩm, mua sắm 300 bể sành, trang bị 7 bộ pin năng lượng.
Quy mô thu mua được nâng lên gần 1 ngàn tấn sản phẩm/năm, mỗi năm chế biến 400 tấn cá nguyên liệu sản xuất ra hơn 16 ngàn lít nước mắm, tiêu thụ khắp thị trường trong và ngoài tỉnh.
Khi Hà Tĩnh đẩy mạnh chương trình “một xã một sản phẩm”(OCOP), HTX Thu mua và Chế biến thủy sản Kỳ Phú được xã “chọn mặt gửi vàng” với sản phẩm nước mắm Định Miện. |
Giám đốc HTX Nguyễn Thị Miện chia sẻ: “OCOP mở ra nhiều cơ hội nhưng đặt ra các tiêu chí rất cao, đòi hỏi phải đầu tư nhiều kinh phí và công sức. Đứng trước lựa chọn bằng lòng với hiện tại hay vượt qua chính mình vì tương lai của nghề biển quê hương, tôi đã quyết định tiến lên phía trước”.
Nữ giám đốc HTX Nguyễn Thị Miện luôn mày mò tìm hiểu để đa dạng hóa các sản phẩm
Từ cuối năm 2018, bắt tay thực hiện các bước đi theo chương trình OCOP, đến nay HTX đã hoàn thành việc xây dựng 2 kho cấp đông với sức chứa hơn 700m2 và đang triển khai xây dựng khu nhà điều hành HTX.
Đơn vị cũng đang tiếp tục trang bị các thiết bị đóng chai, xây dựng logo, bộ nhận diện thương hiệu và thực hiện hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm.
Với hệ thống mẫu mã đa dạng, hình thức đóng gói phong phú gắn với xây dựng thương hiệu nước mắm Định Miện, HXT đặt mục tiêu, đến năm 2020, sản xuất mỗi năm 120 ngàn lít nước mắm, dự kiến sẽ được phân phối qua các kênh siêu thị, cửa hàng, trường học...
HTX Thu mua và Chế biến Thủy sản Kỳ Phú đặt mục tiêu hoàn thành các tiêu chí OCOP cấp tỉnh theo tiêu chuẩn 3 sao |
Bên cạnh phấn đấu đưa sản phẩm nước mắm đạt các tiêu chí OCOP cấp tỉnh theo tiêu chuẩn 3 sao, nữ giám đốc HTX Nguyễn Thị Miện cũng đang tìm hiểu để đa dạng hóa các sản phẩm theo hướng chế biến sâu thay cho chế biến thô như hiện nay. Mắm cá cơm, mắm rò và ruốc xay là những sản phẩm mới mà chị Nguyễn Thị Miện đang tìm tòi học hỏi, áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập của xã viên.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Phú Nguyễn Kiên Quyết cho biết: “Cấp ủy, chính quyền đặt niềm tin vào HTX Thu mua và Chế biến thủy sản Kỳ Phú, đặc biệt là kỳ vọng ở sự bứt phá của Giám đốc Nguyễn Thị Miện. Tin rằng, với bản lĩnh của người phụ nữ dày dạn với những thách thức, với tình yêu nghề truyền thống và trách nhiệm với xã viên, chị Miện sẽ tiếp tục đưa HTX vượt qua những chướng ngại vật để sớm đi tới đích, nâng tầm sản phẩm của quê hương”.
Theo Vũ Huyền/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn