“Nhàn gà” là cái tên gắn với sự nghiệp, niềm đam mê của anh Trần Thanh Nhàn
Tất bật chuẩn bị thức ăn cho đàn gà, gạt vội giọt mồ hôi trên trán, anh Nhàn hăng say kể cho chúng tôi câu chuyện khởi nghiệp của mình.
Năm 2010, tốt nghiệp Khoa Kinh tế Trường Đại học Đà Lạt, Nhàn thử sức ở nhiều công ty khác nhau trong lĩnh vực kinh tế, xây dựng ở Hà Nội, Hà Tĩnh. Hơn 4 năm loay hoay thực hiện nhiều dự định của bản thân, làm việc ở nhiều môi trường, thế nhưng, anh Nhàn chưa hài lòng hoặc có ý định gắn bó lâu dài với công việc nào mặc dù mức lương trung bình hàng tháng hơn cả chục triệu đồng.
Sau những lần về thăm nhà, nhìn thấy mảnh đất vườn rộng lớn bỏ không của bố mẹ, anh Nhàn nung nấu ý định cải tạo, lập nghiệp lâu dài ở quê hương.
Mỗi lứa với 5.000 con, mỗi năm xuất đều 3 lứa, anh Nhàn thu lãi ròng hơn 120 triệu đồng
Anh Nhàn chia sẻ: “Năm 2015, tôi quyết định mở trang trại nuôi gà với mong muốn vừa không ly nông không ly hương, vừa phát triển kinh tế, vừa tiện bề chăm sóc bố mẹ. Nào ngờ, mọi người phản đối kịch liệt, ai cũng ngăn cản, cho rằng nuôi gà toàn dịch bệnh mà lời lãi chẳng đáng là bao, nhất là những người trẻ mới ra lập nghiệp".
Sau nhiều ngày suy nghĩ, anh Nhàn thuyết phục vợ bán vàng cưới của hai vợ chồng và mạnh dạn vay thêm ngân hàng để gom vốn đầu tư cho mục tiêu đánh thức tiềm năng đất đai rộng lớn, làm giàu từ mảnh đất quê hương.
Quyết tâm đầu tư mô hình với quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, anh Nhàn đã dốc gần 1 tỷ đồng vốn để cải tạo mặt bằng, trang bị hệ thống đệm lót sinh học, máng ăn, các thiết bị đèn, hệ thống nước uống tự động và quạt mát vào mùa hè, gas sưởi ấm cho đàn gà vào mùa đông...
Thế nhưng, theo ông chủ trại gà, lo nhất vẫn là đầu ra sản phẩm, vì vậy, "tôi đã chủ động liên kết với một công ty có uy tín ở Hà Nội, từ giống, kĩ thuật chăn nuôi đến bao tiêu đầu ra sản phẩm…”.
Ngoài ra, thu nhập từ chăn nuôi bò thịt...
Bên cạnh đó, anh Nhàn còn đối diện với vô vàn khó khăn khác. “Hệ thống đường điện ở đây xa trung tâm nên khá yếu, do đó, việc đảm bảo điều kiện để chăm sóc gà theo đúng quy trình kỹ thuật cũng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc tiếp cận chính sách hỗ trợ vốn vay không dễ nên rất khó mở rộng quy mô sản xuất" - anh Nhàn chia sẻ.
Vừa khắc phục khó khăn, tập trung mũi nhọn cho chăn nuôi gà, ông chủ trẻ vừa cố gắng phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi với việc chăn nuôi bò thịt, trồng 4 ha rừng nguyên liệu.
4 ha cây tràm của gia đình anh Nhàn đến nay đã hơn 3 năm tuổi
Giờ đây, trang trại của anh Nhàn đã ổn định và đạt thu nhập khá. Chỉ riêng sản phẩm chủ lực là 3 lứa gà/năm, mỗi lứa khoảng 5.000 con, trừ các chi phí, anh lãi ròng hơn 120 triệu đồng mỗi năm.
Ngoài ra, các nguồn thu từ chăn nuôi gia súc và rừng nguyên liệu chuẩn bị cho thu hoạch cũng hứa hẹn mang lại cho gia đình anh nguồn thu khá vững chắc.
Số cọc tiêu này được anh tự tay chuẩn bị cho việc xây dựng chuồng trại mới sắp tới
Nhận thấy công việc khá thuận lợi, trong năm nay, anh Nhàn quyết định xây dựng thêm một khu chuồng trại mới, nâng quy mô nuôi gà lên gấp đôi so với hiện nay. Hiện anh đang hoàn tất mọi thủ tục vay vốn để chuẩn bị cho ngày khởi công.
Đánh giá về mô hình của đoàn viên Trần Thanh Nhàn, Bí thư Huyện đoàn Kỳ Anh Nguyễn Cao Cường cho hay: “Trại chăn nuôi gà của anh Trần Thanh Nhàn là một điển hình trong phong trào thanh niên lập nghiệp ở địa phương. Huyện đoàn đánh giá cao hiệu quả mô hình và xem đây là một hướng đi phù hợp để tuyên truyền, nhân rộng trong đoàn viên thanh niên toàn huyện".
Theo Thu Trang/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn