Ông Võ Văn Thái (ngụ ấp Phước Trinh A) cho biết: “Lạ quá bởi giữa vùng nông thôn sâu lại xuất hiện một trang trại quá hiện đại, đẹp mắt như ở nước ngoài, rau cải xanh mượt, người tới đặt hàng nườm nượp, nhưng có đủ đâu mà bán, tiếc thật”.
Anh Ngô Hữu Anh Khôi (34 tuổi) - chủ nhân mô hình trên kể lại: “Vợ chồng tôi trước đây công tác ở một công ty xuất khẩu cá tra, thấy một số người dân ngày càng sử dụng phân bón thuốc bảo vệ thực vật ngày càng nhiều cho nông sản, củ, quả, rau cải, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người sản xuất lẫn người tiêu dùng, từ đó chúng tôi quyết định hình thành cơ sở sản xuất các loại rau cải xứ lạnh với tiêu chí "sạch, an toàn, giá thành rẻ"".
Biến suy nghĩ thành hành động cụ thể, anh Khôi bàn cùng vợ rồi “khăn gói” đi học tập cách làm rau sạch thủy canh ở Đà Lạt và Bình Phước, sau đó về mở trang trại sản xuất nhưng theo cách rất riêng của mình. Suốt mấy tháng trời đeo bám cách làm của những người đi trước, anh đã đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm thực tế: Nếu các loại hoa vốn phù hợp khí hậu ôn đới nay đã sống được tại Sa Đéc thì các loại rau cải xứ lạnh cũng sẽ trồng được ở miền Tây. Nếu như các cơ sở anh đến học tập thường áp dụng cách làm của quốc gia Israel với các rau cải được bố trí hàng ngang thì anh Khôi lại bố trí theo phương pháp chữ A theo chiều thẳng đứng.
Lý giải về cách làm này, anh Khôi cho biết: “Cách bố trí này cho sản lượng gấp đôi phương pháp cũ do diện tích trồng được tăng lên. Việc chăm sóc, thu hoạch thuận lợi hơn rất nhiều. Cạnh đó, phương pháp mới sử dụng toàn bộ ống nhựa PVC thay vì làm bằng tôn như trước nên giá thành giảm hơn nhiều”.
Trên diện tích 1.000 mét vuông được bao kín 100% bằng lưới và màng phủ ni lông, hiện nay anh đang sản xuất khoãng 6 loại rau cải chủ lực như xà lách, cải Nhật…, phát triển rất tốt. Hạt giống được mua từ các công ty tại Hà Lan nên chất lượng rất đảm bảo, tỉ lệ nảy mầm gần như tuyệt đối.
Sau khi gieo hạt vào các ly nhựa bón ít đất trộn xơ dừa, khoảng 20 ngày sau các hạt sẽ lên mầm; tất cả sẽ được chuyển vào các giá đỡ theo phương thẳng đứng; khoảng 25 ngày sau thì tiến hành thu hoạch. Điều đặc biệt là trong suốt quá trình sinh trưởng đến thu hoạch, toàn bộ rau cải không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào.
Tuy nhiên để có được màu sắc đẹp, độ tươi kéo dài, độ xốp và vị ngon cao, anh Khôi chỉ sử dụng một lượng phân vi sinh rất nhỏ được hòa tan vào hệ thống lưu chuyển liên tục của nguồn nước nuôi sống rau cải. Cách làm này không tạo chất độc hại cho người tiêu dùng.
Hiện nay, mỗi ngày anh Khôi cung cấp cho siêu thị tỉnh Vĩnh Long và các điểm bán rau sạch được trên 100 kg rau cải với giá bán chỉ khoảng 70% giá rau cải được vận chuyển từ TP.Đà Lạt về. Cụ thể, giá cải xà lách anh bán là 40.000 đồng/kg; giá các loại rau cải khác xấp xỉ 35.000 đồng/kg nhưng chất lượng rất đảm bảo. Trừ hết các khoản chi phí đầu tư, mỗi ngày anh còn lãi trên 1 triệu đồng.
Điều đáng nói là cơ sở của anh đã được các ngành hữu quan đến kiểm tra và công nhận đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây còn là cơ sở sản xuất rau sạch theo phương pháp thủy canh đầu tiên và duy nhất của tỉnh Vĩnh Long tính đến thời điểm nầy.
Thấy cách làm rất lạ và hiệu quả, đã có nhiều người đến tham quan, học tập cách làm mới lạ này và luôn được anh Khôi hướng dẫn rất tận tình. Tuy nhiên khó khăn đặt ra là chi phí đầu tư cho nhà lưới khá nhiều tiền, cụ thể nhà có sức bao phủ 1.000 mét vuông như cơ sở anh Khôi là 1,2 tỷ đồng. Muốn vậy cần có sự hỗ trợ vốn vay rất lớn từ Nhà nước đi kèm với những chính sách khuyến nông khác. Cạnh đó cần rất cần những động thái tuyên truyền vận động người tiêu dùng quen dần với việc sử dụng nguồn rau cải sạch, an toàn dù giá bán có cao hơn và cũng rất cần những hợp đồng bao tiêu rau cải sạch từ người trồng đến các siêu thị, các điểm kinh doanh.
Bà Trần Thị Yến (ngụ TP.Vĩnh Long) phấn khởi nói: “Vậy là từ nay muốn ăn rau sạch, ngon, an toàn không phải chờ nguồn cung cấp từ Đà Lạt, người dân đã có nguồn rau cải tại chỗ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, lại rẻ hơn nhiều”.
Anh Ngô Hữu Anh Khôi cho biết thêm: “Cái chính là có rau sạch an toàn cho người tiêu dùng. Sắp tới tôi sẽ xây dựng tiếp 3 trại sản xuất tương tự trên diện tích 3.000 mét vuông. Cạnh đó sẽ tìm nguồn tiêu thụ mới, chủ yếu là các siêu thị, các điểm cung ứng rau sạch tại TP.Cần Thơ và các tỉnh lân cận”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn