Ông Lê Văn Bon (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) kể trước năm 2000, từng làm việc cho nhiều DN cho ngành lương thực lúa gạo ở ĐBSCL mà không có gì phát triển, chỉ đủ ăn. Thấy nghề nuôi thủy sản có ăn, ông bỏ nghề lương thực trở về nhà, đào khoảng 50% trong diện tích 1ha đất vườn thành các ao nuôi cá, còn lại lên bờ trồng cây.
Tính ông Bon cẩn thận, khi bắt đầu nuôi con gì, ông đều nghiên cứu qua sách báo, tivi, bạn bè… Tuy nhiên, những vụ nuôi đầu với con cá tra, cá lóc… ông đều thất bại. Những lần ngã ngựa, ông Bon rút ra nhiều bài học, từ đầu ra cho đến quản lý thức ăn, môi trường… Đặc biệt, ông Bon suy nghĩ đến chuyện đa canh, nuôi lồng ghép và chú ý nhu cầu thị trường.
Sau nhiều lần thất bại với con cá tra, cá lóc, ông Bon thành công với mô hình nuôi ghép con cá thát lát với cá sặc rằn... Nhờ mô hình này, ông thu nhập 400 triệu đồng/năm
Ông Bon nói: Tôi mất gần 3 năm để đi khắp nơi học hỏi, thử nghiệm sau đó quyết tâm nuôi ghép các loại cá dưới ao, trên bờ trồng cây ăn trái sầu riêng, măng cụt, xoài cát Hòa Lộc, dừa, nuôi thêm gà thả vườn, nhím sinh sản, trồng hoa kiểng, nuôi lươn không bùn...
“Làm nông nghiệp thật sự không phải dễ, bởi tôi đã nhiều lần thất bại, mà điển hình nhất là thấy người ta nuôi cá tra hiệu quả, tôi cũng làm theo cuối cùng lỗ hơn 100 triệu đồng. Chưa dừng ở đó lại chuyển sang nuôi cá rô đầu vuông, cá lóc, ếch lại lỗ hơn 250 triệu đồng nữa”, ông Bon tâm sự.
Đặc biệt, 4 năm gần đây ông bén duyên với con cá thát lát thực hiện nuôi ghép với cá sặc rằn. Do các loại cá ăn các tầng khác nhau ở trong ao nếu chỉ nuôi một loại sẽ rất phí vì sẽ có hiện tượng dư thừa thức ăn. Từ đó, khi nuôi loại nào ông cũng tính toán để ghép nhằm tận dụng hết thức ăn, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao.
Hiện ông Bon cũng đang thành công với mô hình nuôi lươn không bùn. Xung quanh các ao cá, ông trồng bưởi, nuôi gà thả vườn... cho thu nhập thêm gần 300 triệu đồng
Hiện nay, mỗi vụ ông Bon thả khoảng 60.000 con cá thát lát giống, 100.000 con cá sặc rằn giống, đến khi thu hoạch hơn 15 tấn cá thát lát, 5 tấn cá sặc rằn cho thu nhập hơn 400 triệu đồng.
Ông Bon nói: Quá trình nuôi ghép cần phải nắm vững kỹ thuật quản lý đầu con để không bị hao hụt. Trong chăm sóc phải chú ý ngừa bệnh. Đặc biệt là quản lý nguồn nước cho tốt, các loại cá có thời gian nuôi khác nhau nên tính toán đến khi thả ghép sẽ cho thu hoạch một lượt.
Ông Bon được xem là người đi đầu ở Bình Thủy thực hiện mô hình tổng hợp nuôi cá thát lát, sặc rằn, lươn, gà, trồng cây ăn trái... mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình gần 700 triệu đồng. Đặc biệt, những lúc giá cá thát lát “lao dốc”, ông Bon tuy buồn vì nguồn thu chính giảm sút nhưng vẫn còn đó hàng tấn cá sặc rằn để bỏ ống. Cách nuôi ghép các loại cá được ông Bon thực hiện nhiều năm đã chứng minh đây là cách làm ăn bài bản, hiệu quả mà ông bỏ nhiều công sức đầu tư phát triển.
Ông Lâm Việt Hải, Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Tuyền, cho biết: "Cách làm của anh Bon cho thấy nếu nông dân nhanh nhạy trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chủ động thực hiện các mô hình tổng hợp thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn. Mô hình của ông Bon đang được nhiều bà con trong vùng đến học hỏi kinh nghiệm và thực hiện theo. Ngoài ra ông nhận nhiều bằng khen nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền từ cấp tỉnh đến trung ương trao tặng".
Hiện nay ông Bon còn thả nuôi gần 20.000 con cá bông lau ở vụ đầu tiên, với diện tích 2.000 m2, cá được 3 tháng tuổi đang trong giai đoạn phát triển tốt. Theo ông Bon, cá bông lau nuôi cực nhất là tìm mua con giống, vì đa phần con giống phải mua dựa vào đánh bắt ngoài tự nhiên, vả lại con giống khan hiếm giá 25.000 đồng/con. Thường cá bông lau đem về nuôi phải thuần dưỡng từ nước lợ sang nước ngọt mất vài tháng, sau đó mới thả nuôi hẳn xuống ao. Bình quân loài cá này nuôi trong vòng 1,5-2 năm cá đạt trọng lượng 1,5-2,3 kg/con, giá bán cho thị trường từ 190.000 -220.000 đồng/kg. Việc nuôi cá bông lau của ông Bon được xem là mô hình tiên phong ở miền Tây.
Nguyễn Hành/dantri.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn