“Nhớ lại cái thời tưới 8 công quýt đường bằng cách kéo ống nước chạy khắp khu vườn, thiệt là ngán còn hơn ngán chè đậu. Vừa mất công, vừa mất sức, lại tốn nhiều tiền điện cho máy bơm, lại dễ tiêu hao lượng thuốc bảo vệ thực vật lẫn nguồn nước.
Bây giờ, rất thoải mái khi vừa ngồi uống trà, coi ti vi, vừa dễ dàng điều khiển dàn bơm tưới nước, phân, thuốc tự động theo ý muốn. Chỉ cần lướt vài cái lệnh trên điện thoại di động là xong. Ngon nhất là trời nắng mình cứ ngồi trong nhà điều khiển. Khỏe lắm mà lại nhanh, chính xác, ít lãng phí”, anh Cao Phát Triển, 42 tuổi, ngụ khu vực Thới Xương 1, phường Thới Long (huyện Ô Môn, TP Cần Thơ) đã mở đầu câu chuyện rất hào hứng với chúng tôi như thế.
Anh Cao Phát Triển bên hệ thống phun nước tự động. Ảnh: TR.TH. LIÊM |
Theo lời anh, do nhận thấy biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, tình trạng nước sông ngày càng cạn kiệt, thiếu nguồn nước tưới tiêu, và vì thế 8 công vườn quýt đường của nhà anh sản lượng thấp, chất lượng giảm, người làm vườn lại quá vất vả và tốn nhiều thời gian khi tưới cây bằng phương pháp thủ công nên anh luôn mơ ước chế tạo được một hệ thống phun nước, phun thuốc BVTV tự động.
“Mê là chuyện dễ, còn làm ra được cái máy này lại là một chuyện khác. Hồi đầu chưa có kinh nghiệm nên cũng lên bờ xuống ruộng từa lưa. Làm tới đâu là thất bại đến đó. Nhiều người khuyên tôi “giải nghệ” nhưng tôi kiên quyết phải làm cho bằng được”, anh kể.
Năm 1997, anh Triển bắt đầu thực hiện ước mơ bằng việc cho nước sông vào trữ trong cái ao sâu và lớn nhất của mình để đảm bảo nguồn nước luôn đủ tưới cho 8 công quýt nhà và tiến hành làm hệ thống tưới tự động. Thất bại vì thiếu kinh nghiệm, máy không hoạt động được, lại không đủ vốn (thời điểm đó muốn làm cái máy phải mất mười mấy lượng vàng) nên anh dừng.
Mãi đến năm 2013, sau nhiều năm tích lũy được số vốn cần thiết, anh Triển tiếp tục hành trình với một sự chuẩn bị chu đáo hơn. Ông Nguyễn Văn Hải, hàng xóm của anh kể: “Tôi thấy ổng cứ mày mò tính toán, có khi đi lại cả đêm. Ai nói ổng cũng không nghe.
Rồi đo đo, đếm đếm, ghi ghi, vậy mà ổng làm được cái chuyện lạ lùng. Ai đời ngồi trong nhà vừa làm công chuyện lại vừa điều khiển nước, thuốc, phân bón bằng cái điện thoại. Muốn tưới nước cỡ nào cũng được; muốn xịt thuốc, bón phân cỡ nào cũng xong. Thiệt là ngon!”.
Anh Triển thì nhớ như in quá trình gian khổ với đứa con cưng của mình: “Đầu tiên tui thiết kế bản vẽ, áp dụng các nguyên lý vận hành kết hợp với phần mềm đã được cài đặt trên điện thoại. Thất bại tiếp nối thất bại.
Từ khâu bét phun sương nhuyễn quá hao điện; đến bét đa chức năng cánh đập hoạt động không đều; hệ thống phần mềm bị lỗi liên tục; vận tốc phun nước và thuốc BVTV phân bón không đều…Không để “cái khó bó cái khôn”, tui lại tìm hiểu nguyên nhân thất bại để khắc phục. Ngày chạy thử cuối cùng tui muốn đứng tim luôn, nhưng mừng quá khi mình đã thành công mỹ mãn”.
Theo thiết kế chung, mỗi hệ thống bơm tưới tự động gồm: máy bơm, hồ chứa, ống dẫn lớn, ống dẫn nhỏ, vòi phun được đặt cố định. Chủ vườn chỉ cần đóng cầu dao điện là hệ thống hoạt động. Riêng đối với người muốn điều khiển hệ thống phun tưới từ xa thì chỉ cần lắp đặt thêm 1 bảng điều khiển, có thiết kế thiết bị nhận tín hiệu gọi đến.
Khi cần, chủ vườn có thể dùng bất kỳ điện thoại di động nào gọi vào bảng điều khiển bằng một số điện thoại cài sẵn, bộ phận nhận tín hiệu phát ra ánh sáng là hệ thống phun tưới bắt đầu hoạt động. Nhiều chủ vườn còn lắp đặt camera tại vườn để thấy được hình ảnh phun tưới tại nhà dù đang ở bất kỳ nơi đâu chỉ với một điều kiện là có sóng điện thoại.
Anh Triển cho biết, trước đây, trên diện tích 8 công quýt đường (8.000 m²) của vườn nhà, mỗi lần tưới máy bình thường sẽ mất đến 5 giờ và còn phải thuê 1 người theo cầm ống phun tưới, chi phí hao tốn khoảng 150.000 đồng/lần tưới, nếu tưới bằng gàu (hay thùng) sẽ mất gần 2 ngày mới ướt hết vườn, chi phí thuê nhân công trên 300.000 đồng/mỗi lần tưới.
Từ khi có chiếc điện thoại thông minh và hệ thống phun tưới tự động, thời gian tưới rút ngắn chỉ còn khoảng 10 phút, chỉ tốn 2.000 đồng tiền điện, giảm chi phí gấp 70 lần so tưới máy và 160 lần tưới tay. Nhờ vậy, giảm được chi phí đầu tư, giúp đồng lãi mang về rất cao.
Đó là chưa kể đến nhiều lợi ích quan trọng khác như: chủ động hoàn toàn trong quy trình chăm sóc cây theo ý muốn phù hợp với diễn biến bất lợi của thời tiết bất thường; chủ động hoàn toàn nguồn nước tưới; chống xói mòn đất, giúp bộ rễ có đầy đủ ô xy, nước; giúp cây phát triển xanh tốt.
Thử làm một phép tính rất đơn giản để thấy rõ hơn hiệu quả kinh tế từ mô hình này: nếu trước đây, năm nào trúng mùa, trúng giá, trừ tất cả các khoản chi phí đầu tư, anh Triển chỉ có lãi từ 100 đến 120 triệu đồng/năm/8 công quýt. Từ khi sử dụng hệ thống tưới nước tự động anh có lãi từ 450 đến 500 triệu đồng. Riêng năm 2017, anh thu lãi đến 550 triệu đồng.
Thừa thắng xông lên, đầu năm 2014, anh Triển bắt đầu nghiên cứu lắp thêm hệ thống phun thuốc và bón phân tự động được điều khiển từ máy điện thoại cầm tay tương tự như hệ thống phun nước (chỉ khác là chủ vườn phải tự pha chế công thức và phải có hồ chứa tương đối lớn).
Anh cho biết hệ thống này giúp trái cây có độ bóng, sáng, đẹp, bắt mắt. Đặc biệt tránh được dư lượng thuốc đã phun xịt và đảm bảo sức khỏe cho người trực tiếp phun xịt lẫn môi trường sống cho chính gia đình mình và những người xung quanh. Hiện tại chi phí do anh lắp đặt cho người có nhu cầu từ 7 đến 8 triệu đồng/1.000 m² đất (tùy theo địa hình).
Thị trường tiêu thụ nhiều nhất là Tây Ninh, Đồng Nai, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang. Từ năm 2015 đến nay, anh Triển đã lắp đặt trên 250 hệ thống phun, tưới các cỡ, giúp nông dân thu về tiền lãi hàng tỷ đồng. Nhiều nông dân cho biết: Bỏ vốn đầu tư lần đầu, chỉ 3 đến 4 mùa sau là đã đủ “lấy vốn”.
Ông Võ Hoàng Nam, ngụ xã Long Hậu, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp phấn khởi kể: “Nghe tin ông Triển chế tạo thành công 2 loại máy này, tôi qua đặt hàng liền. Sử dụng ngọt xớt. Mô hình có thể tưới tự động ở mọi lúc mọi nơi, thậm chí cách xa hàng trăm cây số cũng điều khiển được”.
Anh Triển cho biết, sản phẩm này đã được Cục Bản quyền Tác giả thuộc Bộ VH - TT&DL công nhận. Hiện nay, mỗi năm anh thu lãi xấp xỉ trên 1 tỷ đồng tiền thi công các hệ thống phun, tưới.
Cạnh đó anh còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động tham gia thi công các công trình với tiền công từ 350.000 đến 500.000 đồng/người/ngày tùy tay nghề và địa bàn lắp đặt xa hay gần. Sắp tới, anh sẽ hỗ trợ nông dân trong vùng lắp ráp hệ thống phun, tưới tự động với giá thành thấp nhất.
Cạnh đó anh đang ấp ủ mô hình phun tưới tự động cho những nơi không có điện lưới quốc gia hay điện áp quá yếu không thể vận hành hệ thống dựa trên các qui trình tiến bộ của công nghệ thông tin.
Cùng những dự định mới, ngày 23.5.2018, một tin vui nữa vừa đến khi mô hình “Tưới nước và phun xịt tự động điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh” của anh đã đạt giải Khuyến khích trong số 10 Dự án xuất sắc nhất cuộc thi “Tôi là Nông Dân 4.0 năm 2018” do Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Bộ KH&CN tổ chức trên phạm vi toàn quốc.
Trương Thanh Liêm/nongthonviet.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn