Từng thất bại rất nhiều lần khi thực hiện các dự án đầu tư nông nghiệp, trên mảnh đất trồng tiêu nhưng không hiệu quả, gia đình chị Trần Thị Dơn (thôn Lương Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) đã chuyển đổi sản xuất, chuyển sang trồng nấm và thu lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chị Dơn trong trại nấm của mình. |
Năm 2013, khởi nghiệp từ 20 triệu đồng, vợ chồng chị đã mua 10.000 bịch phôi giống Bào Ngư về trồng. Mọi người không tin vợ chồng chị làm được khi mô hình này lần đầu tiên xuất hiện ở địa phương này. Thế nhưng sau một thời gian, trại nấm nơi góc núi đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, thời điểm khởi nghiệp ban đầu gặp nhiều khó khăn, từ thiếu vốn, thiếu nhân lực có kỹ thuật tới đầu ra sản phẩm cũng không ổn định. Đặc biệt, meo giống phải đi mua lại từ đơn vị khác nhiều khi không đảm bảo nên tỷ lệ lên giống thành công không cao. Không nản chí, vợ chồng chị Dơn bắt đầu phân tích, tìm nguyên nhân thất bại để tiếp tục theo đuổi giấc mơ phát triển nghề nấm.
Hai vợ chồng đã phải thay nhau tìm hiểu kĩ thuật làm trại nấm cũng như chăm sóc nấm trên mạng Internet và thăm quan một số trại nấm khác trong tỉnh để học hỏi thêm kinh nghiệm, từ đó cải tiến thành những phương pháp phù hợp nhất. Sau nhiều lần thất bại, thành công cũng đã đến dần dần.
Chị Dơn giới thiệu sản phẩm nấm của gia đình tại hội chợ “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp năm 2018”. |
“Cuối cùng thì những bịch nấm cũng nở bung và cho thu hoạch”, chị Dơn kể, nhưng khi sản xuất được nấm thì đầu ra rất khó, làng của chị chưa ai ăn nấm trồng. Vợ chồng chị chạy xe máy ra các chợ bán nấm, rồi tiếp thị ở những cửa hàng, quán cơm… để gây dựng đầu ra. Dần dần, nấm của chị Dơn được nhiều địa chỉ đón nhận vì có chất lượng.
Gia đình chị Dơn là hộ đầu tiên trên địa bàn xã Ia Blứ triển khai mô hình trồng nấm với số lượng lớn, từ chỉ sản xuất nấm Bào Ngư. Đến nay gia đình chị đã mở rộng trồng thêm nấm Linh Chi, nấm Mèo (Mộc Nhĩ) và nấm Rơm. Hiện tại gia đình chị trồng 50.000 bịch nấm Bào Ngư, 30.000 bịch nấm Linh Chi, 30.000 bịch nấm Mèo (Mộc Nhĩ) và 50 tấn nguyên liệu để làm nấm Rơm.
Chị Dơn cho biết mỗi loại nấm đều có kĩ thuật trồng và chăm sóc khác nhau, nhưng để có được sản lượng nấm đạt chất lượng cao thì quan trọng nhất là khâu chọn giống sau đó là cách ủ nguồn nguyên liệu, nguyên liệu phải được lựa chọn kĩ càng, loại bỏ hết các tạp chất, thanh trùng sạch sẽ chất lượng nấm mới đạt, năng suất sẽ cao hơn.
Chị Dơn luôn tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến nấm theo hướng an toàn từ khâu trồng cấy nấm, chăm sóc tưới bằng nước sạch, vệ sinh lán trại sạch sẽ hằng ngày. Lán trại trồng nấm được xây dựng kiên cố, thoáng mát, bố trí xa khu chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ vậy, nấm của chị luôn được mọi người ưa chuộng chọn mua.
“Hiện nay, người tiêu dùng luôn lựa chọn các sản phẩm sạch để dùng, hướng đến sản phẩm sạch và an toàn gia đình tôi sản suất nấm hoàn toàn theo phương thức hữu cơ, không sử dụng phân hóa học. Bằng cách là ngoài các nguyên liệu như mùn cưa, rơm, cùi bắp gia đình tôi mua bánh ép dầu đậu nành, đậu phộng để phối trộn vào nguyên liệu, theo phương thức này, nấm của gia đình tôi vẫn phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất cao không thua kém gì với với việc sử dụng phân hóa học mà nấm còn có độ ngọt hơn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng” – Chị Dơn cho biết.
Cũng theo chị Dơn trồng Nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác, thị trường nấm luôn ổn định. Hiện nay, ngoài bán nấm thương phẩm chị Dơn còn tự sản suất phôi nấm giống để bán cho các hộ trồng nấm khác. Với mô hình cung cấp phôi giống và bán nấm thương phẩm, mỗi năm gia đình chị có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
“Năm 2017, gia đình tôi đã bán ra thị trường 15 tấn nấm mèo, 3,5 tấn nấm rơn và 300kg nấm Linh Chi, 10 tấn nấm bào ngư, Trừ các chi phi gia đình tôi thu lợi trên 500 triệu đồng. Vừa qua, chị Dơn cũng đã giới thiệu sản phẩm nấm Linh Chi của gia đình tại hội chợ “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp năm 2018” do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Cái tên trại nấm của chị đã khá nổi tiếng, được thương lái ở nhiều nơi tin tưởng đặt hàng. Mô hình của chị được lãnh đạo huyện quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ phát triển. Không chỉ vậy, đây còn là “điểm đến” cho những người có đam mê nghề nấm chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác đầu tư trong quá trình khởi nghiệp. Chị Dơn cho biết, trại nấm của chị không chỉ là nơi sản xuất nấm chất lượng cao mà còn là cầu nối giúp nông dân trong vùng tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao công nghệ, địa chỉ khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn.
Bà Bùi Thị Khánh Linh, Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Blứ cho biết: “Mô hình trồng nấm của chị Dơn là mô hình khởi nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, với mô hình trồng nấm này đã giúp giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho 7-10 lao động tại địa phương”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn