Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đạt chia sẻ: “Gia đình tôi có 20 công đất trồng lúa nhưng do phèn, trũng thường bị ngập nước nên năng suất lúa thấp. Một năm làm 3 vụ lúa nhưng có khi chỉ được thu 2 vụ, nếu năm nào đạt năng suất cũng chỉ lời khoảng 60 triệu đồng. Thấy thu nhập từ trồng lúa chẳng có dư, nên vào năm 2013, tôi quyết định chuyển sang trồng cam sành. Lúc đầu do thiếu vốn và chưa nắm bắt được khoa học kỹ thuật nên chỉ trồng thí điểm 2 liếp. Qua thời gian canh tác, thấy hiệu quả và thu nhập ổn định nên tôi quyết định chuyển toàn bộ diện tích trồng lúa sang trồng cam sành”.
Khi mới bắt tay vào trồng cam sành, ông Đạt gặp không ít khó khăn, đặc biệt vốn để lên liếp. Từ số tiền tích lũy của gia đình trong nhiều năm và tiền vay mượn thêm anh em bà con, ông đã dốc toàn bộ vốn liếng để cải tạo đất. Ngoài công lao động của các thành viên trong gia đình, chi phí ban đầu cải tạo đất khoảng 28 triệu đồng/công. Sau khi cải tạo đất xong, ông Đạt sang tỉnh Hậu Giang tìm mua cây cam giống. Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng, rút kinh nghiệm trong quá trình trồng và được các ngành chức năng hướng dẫn chọn cây giống tốt, phương pháp chăm sóc khoa học nên sau 2 năm, vườn cam sành của ông đã cho trái trĩu cành. Ông Đạt thổ lộ: “Sau 2 năm, cam cho trái nhưng không phải cây cam nào cũng để lấy quả. Đối với những cây phát triển chậm thì khi ra trái mình lặt bỏ, đến năm thứ 3 mới thu hoạch, vì khi đó cây đã có đủ chất dinh dưỡng nuôi trái, như vậy cây cam sẽ phát triển bền hơn”.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên vườn cam sành của ông Nguyễn Văn Đạt cho trái trĩu cành.
Vườn cam được ông Đạt làm rất khoa học, hệ thống tưới tiêu và xịt thuốc đều bằng máy, do vậy giảm rất nhiều chi phí và sức lao động. Được biết, từ đầu năm đến nay, ông đã thu hoạch 2 đợt trái với sản lượng khoảng 40 tấn cam nhưng vườn cam vẫn xanh tốt và trĩu quả. Nhờ kỹ thuật chăm sóc tốt nên mẫu mã cam đẹp và chất lượng cam tốt, thương lái đến tận vườn mua với giá khoảng 17.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông cũng thu về khoảng 500 triệu đồng/2 đợt.
Chia sẻ bí quyết, ông Đạt bật mí: “Muốn trồng cam đạt hiệu quả, lợi nhuận cao, trước hết không mua giống trôi nổi, cần phải lựa chọn cây giống tốt, sạch bệnh từ các trại ươm cây giống có uy tín. Khi trồng cần thường xuyên kiểm tra bộ rễ của cây, theo dõi sự phát triển của màu lá. Cây cam chủ yếu bị bệnh vàng lá nên thường xuyên theo dõi phát hiện bệnh để có hướng điều trị kịp thời, đặc biệt, phải phun thuốc định kỳ nhằm chủ động phòng ngừa các loại sâu bệnh. Bên cạnh đó, việc tỉa cành, bón phân phải đầy đủ, đúng kỹ thuật và phải thực hiện tốt khâu tưới nước, giữ độ ẩm trong đất hợp lý theo điều kiện thời tiết. Tránh trường hợp để đất quá khô, khi đó cây cam sẽ rụng trái. Còn nếu để rễ cây bị nước ngập thì sẽ dễ phát sinh mầm bệnh”. Theo tính toán của ông Đạt, từ giờ đến cuối năm, chú sẽ thu hoạch khoảng 4 đợt cam nữa, nếu giá cả ổn định thì năm nay vườn cam cũng thu về tiền tỉ.
Chủ tịch Hội Nông dân xã An Ninh Lý Phương Toàn cho biết: “Mô hình trồng cam sành của ông Đạt là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của xã. Từ thành công này, ông Đạt đã giúp đỡ rất nhiều hộ trong xã cùng trồng cam. Hiện nay, trên địa bàn xã An Ninh có 55 hộ trồng cam sành với diện tích khoảng 28,6ha, tập trung chủ yếu ở ấp Hòa Long A và ấp Hòa Long. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cam sành và một số cây ăn trái khác để tăng thu nhập cho bà con”.
Tác giả: K.Thoa
Nguồn: baosoctrang.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn